Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM một cách bền vững vẫn còn là bài toán nan giải - Ảnh: Lê Toàn |
Ngày 6-7, ngày làm việc thứ 2 kỳ họp HĐND TPHCM khóa VII, các đại biểu đã chất vấn lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Giao thông vận tải xoay quanh các tác động của quy hoạch nhà cao tầng đến không gian kiến trúc đô thị, đến giao thông của thành phố.
Nhiều cử tri đã gởi câu hỏi trước đến sở yêu cầu nêu trách nhiệm của sở tới đâu trong việc quy hoạch quá nhiều nhà cao tầng khu trung tâm thành phố, gây kẹt xe ngày càng trầm trọng.
Xây cao ốc cần lưu ý đến “hồn vía” của thành phố
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ngô Minh Hồng đặt câu hỏi: “Không biết TPHCM đang theo đuỗi mô hình đô thị nào để quy hoạch phát triển kiến trúc chung cho thành phố trong thời gian tới?”.
Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, về định hướng phát triển cho khu vực trung tâm thành phố, UBND thành phố đã tổ chức cuộc thi ý tưởng thiết khu trung tâm hiện hữu với quy mô 930 héc ta bao gồm trung tâm quận 1, quận 3 và một phần khu vực quận Bình Thạnh. Hiện nay, đơn vị thắng giải cuộc thi và thành phố đang chuẩn bị hoàn tất hợp đồng lập quy hoạch khu trung tâm thành phố vào tháng 11-2010.
“Nhu cầu phát triển nhà cao ốc dành cho văn phòng, dịch vụ thương mại trong khu vực trung tâm thành phố tại trung tâm TPHCM là nhu cầu tất yếu. Các công trình hạ tầng cao ốc cũng góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc, không gian đô thị theo hướng hiện đại, văn minh hơn”, ông Dũng nói.
Theo số liệu cập nhật, tại khu vực trung tâm thành phố khu vực quận 1, quận 3 có 250 công trình cao ốc trên 15 tầng được cấp phép, trong đó có 75 công trình đang triển khai xây dựng.
Chưa thỏa mãn nội dung báo cáo số lượng nhà cao tầng khu trung tâm thành phố của ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Phương Thảo tiếp tục yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng giải trình thêm.
Theo giải trình thêm của ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, tính từ năm 2008 đến nay, Sở Xây dựng thành phố đã cấp phép xây dựng cho 114 công trình cao ốc với tổng diện tích khoảng 1,3 triệu mét vuông, trong đó khu trung tâm quận 1, quận 3 có 71 công trình, chiếm 75%.
Ông Bền giải thích: “Sở dĩ quận 1, quận 3 có tỷ lệ nhà cao ốc chiếm đến 75% là vì đây là khu trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa và du lịch tập trung nhiều nhà đầu tư, nên các nhà đầu tư đã đầu tư xây cao ốc để làm văn phòng làm việc, cho thuê và căn hộ cho thuê”.
Tiếp theo ý kiến thắc mắc của đại biểu Ngô Minh Hồng, đại biểu Huỳnh Công Hùng băn khoăn: “Tôi cũng biết chủ trương chung của thành phố là xây dựng cao ốc phải chừa lối đi cho người đi bộ, quy định nhà càng cao thì khoảng lùi càng sâu, tạo sao trên con đường Lê Thánh Tôn khu trung tâm lại quy hoạch một bên là trung tâm Parkson, một bên là tòa nhà Vincom không thấy chỗ đậu xe? khi người dân đi mua sắm vào thứ Bảy, Chủ nhật chắc chắn sẽ gặp phải chuyện ùn ứ, kẹt xe".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề quy hoạch các bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe trên mặt đất cho thành phố này được tổ chức xây dựng, khai thác ra sao, vì hiện nay, một trong những cản trở làm rối trật tự đô thị cũng do xe cộ không có chỗ đậu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn ví chuyện quy hoạch đô thị và tổ chức các tiện nghi cho người dân trong vùng trung tâm thành phố như chuyện mua sắm. “Chúng ta mua sắm đủ thứ quần áo, giày dép … nhưng chúng ta không sắm tủ. Hiện nay có tình trạng Nghị định 34 của Chính phủ phạt rất nặng người đi bộ không đúng quy định, nhưng người đi bộ lại đang không có chỗ đi trên lề đường, đi nhiều con đường quận 1, 3, 5, 10 mới thấy các lề đường bị chiếm dụng hết, chủ yếu dành để xe 2 bánh”.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, thành phố có 117 công trình cần được bảo tồn, trong đó có các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa kể cả một số tuyến đường có đặc điểm kiến trúc cũ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa pháp lý hóa được đề tài nghiên cứu bảo tồn các công trình này để cơ quan chức năng có cơ sở quản lý.
Nhiều đại biểu cũng nêu lên nghịch lý rằng trong khi chiến lược của thành phố đang phát triển là phải giãn dân ra ngoại thành, TPHCM là thành phố đông dân nhưng không hiểu sao lại tập trung quá nhiều nhà cao tầng vào khu vực trung tâm quận 1, quận 3 kéo theo hiện tượng kẹt xe do công nhân xây dựng, chở vật liệu xây dựng, nhu cầu về bãi đậu xe, sinh hoạt khi dự án đi vào hoạt động.
Các đại biểu nhận định Sài Gòn khác hẳn với một số đô thị khác ở chỗ, mật độ các công trình cũ còn lại từ thời Pháp, theo năm tháng trở thành kiến trúc cổ, di tích theo đúng với Luật Di sản văn hóa được bổ sung sau này. Những công trình kiến trúc của thành phố như Nhà hát Thành phố không chỉ là di tích vật thể, mà còn có cảnh quang, là “hồn vía” của thành phố.
“Vậy mà tòa nhà Caravelle mọc cạnh Nhà hát Thành phố đến nay vẫn được cho là ổn, không có vấn đề gì sao?, còn nhiều toà nhà khác đang đua nhau mọc lên trên đường Đồng Khởi, quận 1, phá vỡ cảnh quang di sản của cả tuyến đường Đồng Khởi…, liệu có còn bao nhiêu tòa nhà cao tầng mọc lên trên đường Đồng Khởi nữa?”, đại biểu Nguyễn Thế Thanh thắc mắc.
Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa bày tỏ lo ngại: “Tôi lo ngại rằng nếu cứ theo đà cấp phép xây dựng cao ốc như hiện nay, chừng 2-3 năm nữa, thành phố sẽ trở thành cổ không ra cổ, hiện đại không ra hiện đại!”.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Trần Chí Dũng cũng thừa nhận trường hợp tòa nhà Caravelle là do trước đây thiếu cân nhắc, nên để tòa nhà này mọc lên trên một không gian chật hẹp, có khoảng lùi quá ít, ảnh hưởng đến công trình Nhà hát Thành phố.
Liên quan đến thắc mắc của nhiều đại biểu liệu còn bao nhiêu cao ốc nữa sẽ mọc lên khu vực trung tâm quận 1, quận 3 trong thời gian tới, ông Dũng cho hay theo số liệu được đơn vị tư vấn Nhật Bản, hệ số sử dụng đất khu vực trung tâm hiện vẫn còn thấp, mới chỉ khoảng 1,5. Với định hướng quy hoạch có kết hợp với hệ thống vận tải metro 6 tuyến đi qua trung tâm, nối kết với đường vành đai thì hệ số sử dụng đất được đơn vị tư vấn đề xuất cho khu vực trung tâm hiện hữu là 3,5. “Như vậy, về lâu dài, khu vực trung tâm hiện hữu sẽ có rất nhiều tòa cao ốc nữa mọc lên”, ông Dũng nói.
Ưu tiên cho hạ tầng giao thông trong 5 năm tới
Theo giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Phượng, thành phố đang tập trung giải quyết bài toán giao thông trước tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng nhanh.
Hiện thành phố có khoảng 424.000 xe ô tô và 4,3 triệu xe gắn máy. Để giải bài toán kẹt xe mang tính dài hạn, ông Phượng cho biết thành phố đang tập trung triển khai các dự án xây 6 tuyến metro, đang khảo sát xây dựng 4 tuyến đường trên cao với tổng vốn đầu tư mỗi tuyến đường khoảng 1.500 tỉ đồng.
Sở Giao thông vận tải đề xuất trong định hướng phát triển đô thị sắp tới, nên lấy quy hoạch giao thông làm cốt lõi cho việc xây dựng các quy hoạch khác.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, với áp lực dân số tiếp tục tăng lên khoảng 12 triệu dân trong vài năm tới, thành phố đang đẩy mạnh triển khai phát triển các cụm đô thị vệ tinh để bố trí lại dân cư và chỉnh trang đô thị.
“Trong chương trình phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới, vấn đề đầu tư cho hạ tầng giao thông công cộng như metro, đường trên cao … sẽ được ưu tiên hàng đầu, tập trung vốn để triển khai”, ông Quân nói.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG