Nhiều nhà đầu tư đang xem bất động sản là kênh trú ẩn khi lạm phát tăng cao. Vấn đề đặt ra là có phải cứ lạm phát, bỏ tiền vào bất động sản là có thể thu được lợi?
Đổ xô đi mua đất
Tích góp được hơn 2 tỷ đồng sau gần 10 năm làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu, chị Huỳnh Thị Trưng (35 tuổi, trú tại TP.HCM) quyết định tìm mua một mảnh đất, thay vì gửi tiết kiệm. Theo chị, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với lãi suất cố định khoảng hơn 5%/năm, nhưng lạm phát tăng lên thì lãi thực dương được hưởng sẽ giảm, thậm chí không có lãi. Lạm phát tăng thì chuyển tiền nhàn rỗi vào bất động sản vẫn là an toàn nhất.
Khu vực chị Trưng tìm mua đất là huyện Củ Chi (TP.HCM). Tuần trước, chị tìm được mảnh đất trồng cây lâu năm hơn 700 m2, trong đó có 100 m2 thổ cư mặt tiền đường nhựa thuộc xã An Phú, giá 2,5 tỷ đồng, chần chừ cân nhắc nên chưa vội mua. “Tuần này gọi lên, chủ đất nói đã bán với giá 2,8 tỷ đồng rồi”, chị Trưng tiếc nuối.
Chị Trưng kể thêm, một đồng nghiệp của chị cuối năm ngoái đã mua mảnh đất trồng cây lâu năm khoảng 500 m2 với giá 1,8 tỷ đồng, tuần rồi có người trả 2,2 tỷ đồng, tính ra lãi 400 triệu đồng, nhưng anh không bán. Bởi nếu bán đi thu tiền về để không thì lo mất giá, vả lại không dễ tìm mua được mảnh đất khác ưng ý.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, những ngày cuối tháng 3, có không ít người tìm lên huyện Củ Chi để “săn đất”. Không chỉ đất trồng cây lâu năm, cả đất không giấy tờ cũng được nhiều người tìm mua. Thậm chí, có những mảnh đất nằm sâu trong rẫy, đường đi khó khăn, ô tô không vào được cũng nhiều người tìm đến.
Những người đến đây để tìm cơ hội đón đầu sau khi có đề xuất sẽ đưa huyện này lên thẳng thành phố trực thuộc TP.HCM, cộng với nhiều dự án hạ tầng đang được đề xuất xây dựng. Trong số đó, có không ít người tìm mua đất để làm nơi trú ẩn trước nỗi lo lạm phát có xu hướng tăng cao.
Trong tháng 2/2022, TP.HCM ghi nhận nhu cầu tìm kiếm loại hình đất nền và đất nền dự án tăng hơn 18%. Trong đó, TP. Thủ Đức, Củ Chi, Nhà Bè và Bình Chánh là các khu vực ghi nhận lượng tin rao và nhu cầu tìm mua mạnh nhất, đây cũng là những địa phương có giao dịch và biến động giá đất nền và nhà liền thổ sôi động nhất các tháng đầu năm.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, Quốc hội đặt chỉ tiêu CPI năm nay tăng khoảng 4%. Vào thời điểm tháng 1, mục tiêu này hoàn toàn trong tầm tay, song những biến động bất ngờ của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khiến mục tiêu này trở thành một sức ép không hề nhỏ. Trước những biến động như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có 3 kênh trú ẩn tài sản là dầu mỏ, kim loại quý và bất động sản.
“Trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh, nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát”, ông Khương nói.
Liệu có an toàn?
Nhìn vào lịch sử tăng giá trong 10 năm qua, không thể phủ nhận bất động sản là kênh đầu tư truyền thống và vẫn tiếp tục hút tiền. Tuy nhiên, không phải cứ lạm phát, bỏ tiền vào bất động sản là có thể thu được lợi.
Các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh lạm phát dù thấp hay cao, dòng tiền của nhà đầu tư cần cẩn trọng với hai yếu tố: thứ nhất là không sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao; thứ hai là không lướt sóng và đầu tư ngắn hạn.
Theo ông Sử Ngọc Khương, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên, nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ, cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Chính vì vậy, ông Khương cho rằng, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng “chết trên đống tài sản” đã từng xảy ra trong quá khứ.
Còn ông Lê Quốc Trung, một nhà đầu tư có hơn chục năm kinh nghiệm nhìn nhận, lạm phát cao có thể khiến cho điểm yếu của thị trường dần lộ diện rõ là thanh khoản thấp. Đa số nhà đầu tư sử dụng tiền nhàn rỗi đã ôm hàng từ đầu năm ngoái đến nay đang rơi vào tình trạng “no hàng”, nhưng thanh khoản ế ẩm do neo giá cao.
“Những người không bị áp lực nợ ngân hàng sẽ chưa vội bán bất động sản trong 6 - 12 tháng tới, bởi bán xong lại phải tìm mua tài sản khác vì không thể giữ tiền mặt trong thời điểm lạm phát cao. Những người sử dụng đòn bẩy tài chính không còn dòng tiền đủ gánh chi phí trả ngân hàng chắc chắn sẽ xả hàng khi lạm phát tăng cao”, ông Trung nhận định.
Tuy nhiên, tâm lý chung của bên nắm giữ tài sản sẽ đẩy giá lên cao để trừ hao trượt giá. Khi toàn thị trường đẩy giá bán lên sẽ khiến bất động sản thiết lập mặt bằng mới. Các dự án hình thành trong tương lai cũng tính sẵn giá bán của 2 - 3 năm sau khi bàn giao sản phẩm vì chủ đầu tư tính luôn phần lạm phát vào giá thành.
DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư