Rất nhiều dự án bị đội giá nhưng không ai phê bình, chỉ ra cái sai nên cứ tiếp tục thực hiện, càng lúc quy mô đội giá xây dựng càng lớn và tính chất càng phức tạp
Thông tin dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông thực hiện theo dạng hợp đồng EPC (tổng thầu thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng) giữa Tổng cục Đường sắt Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc bị đội vốn từ 552,86 triệu USD lên 891 triệu USD làm dư luận bức xúc trong nhiều ngày qua. Chuyện đội vốn trong những dự án hạ tầng giao thông đang ngày càng quá sức chịu đựng của người dân.
Không khéo sẽ thành thuốc độc
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa ra 9 nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư dự án: Thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng lên 3 tầng (25%), xử lý nền yếu (4%), bổ sung đường tránh Quốc lộ 6 (0,5%); điều chỉnh vật liệu vỏ tàu (1%); chi phí ăn, ở, đi lại, đào tạo chuyển giao công nghệ (1%); thay đổi phương án thi công dầm (3%); giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật (26%); bổ sung một số hạng mục bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn (12%) và nguyên nhân cuối là biến động giá cũng như sai sót khối lượng đơn giá (28%). Riêng tăng cho gói thầu EPC là 250 triệu USD (chiếm 74% của tổng giá trị tăng).
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội bị đội giá thêm 339 triệu USD Ảnh: THẾ KHA
|
Phân tích lý do đội giá xây dựng thì chủ đầu tư giải thích do công tác GPMB chậm, do trượt giá, do kinh nghiệm và năng lực quản lý hợp đồng EPC cả A và B đều không có, do tư vấn lập dự án và thiết kế cơ sở (TEDI) không có kinh nghiệm. Bộ GTVT lấy ý kiến Bộ Xây dựng và các bộ liên quan tiếp tục trình Thủ tướng, Thủ tướng giao trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh cho Bộ GTVT. Chúng ta đang thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhưng hình như chưa đúng bản chất sự việc gây lãng phí đang xảy ra.
Hợp đồng EPC là một hình thức quản lý mới trong đầu tư xây dựng, rộ lên trên thế giới từ những năm 2000 và Việt Nam là một trong những nước tiếp cận khá sớm với nhiều dự án quy mô lớn về hạ tầng và công nghiệp. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì hợp đồng EPC cũng có những khuyết điểm “chết người”. Vì thế, các nước khi hợp đồng EPC đều có lời khuyên phải nắm chắc phạm vi dự án, phải có chủ đầu tư và đặc biệt các nhà thầu có đủ kinh nghiệm và năng lực thực hiện hợp đồng, các quy định nhà nước hoặc của các bên tham gia thật cụ thể về quy trình quản lý dự án, hồ sơ thiết kế, giá hợp đồng, quản lý thầu phụ... Nếu không bảo đảm một trong các yêu cầu trên thì hình thức hợp đồng EPC chỉ là “thuốc độc” chứ không phải phép tiên như bao lâu nay chúng ta lầm tưởng.
Thiếu trách nhiệm, ăn theo
Nhìn lại các hợp đồng EPC tại Việt Nam, tuy chúng ta chưa có nhiều quy định hướng dẫn cụ thể của nhà nước về hình thức này nhưng đã có nhiều dự án thành công, đặc biệt là đối với những nhà thầu Tây Âu vì họ dựa vào các điều kiện hợp đồng FIDIC và rất rõ ràng. Còn lại rất nhiều dự án khác luôn bị đội giá và nhà thầu với đủ lý do để biện minh cho mình.
Bài toán GPMB ở Việt Nam là bài toán muôn thuở đang chờ đáp án. Làm dự án đầu tư mà không tính đến rủi ro về vấn đề này thì quả thật khó hiểu. Hãy xem lại điều 72 quy định điều kiện khởi công của Luật Xây dựng và ai bất chấp luật, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải có trách nhiệm bồi thường. Đã không chịu trách nhiệm mà còn đưa ra hàng loạt chi phí phát sinh ăn theo thì thật là quá đáng.
Bài toán trượt giá do nhà nước tăng giá vật liệu và lương cơ bản theo luật định chỉ áp dụng chủ yếu cho các gói thầu trong nước, khi hệ thống quản lý giá xây dựng ở Việt Nam vẫn còn nặng tính bao cấp. Lý do hiện nay quản lý giá xây dựng được dựa vào hệ thống định mức đơn giá nhà nước công bố ban hành, vừa không chính xác vừa không đầy đủ, đặc biệt khi áp dụng cho những công nghệ mới. Chúng ta không nên vừa theo thông lệ quốc tế nửa vời vừa vận dụng lỗ hổng về quản lý giá xây dựng của Việt Nam.
Phải quy trách nhiệm cá nhân
Trước dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cũng có nhiều dự án đội giá làm theo cách này nhưng không ai phê bình, chỉ ra cái sai nên cứ tiếp tục thực hiện, càng lúc quy mô đội giá càng lớn và tính chất càng phức tạp. Cứ theo trình tự thủ tục, chủ đầu tư trình bộ, bộ xin ý kiến các bộ khác và trình Thủ tướng. Thủ tướng ủy quyền lại cho các bộ và bộ chuyên ngành cứ duyệt theo văn bản của Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng và Kiểm toán Nhà nước là yên tâm đúng quy định.
Đã đến lúc nhìn lại lỗ hổng trong quản lý giá xây dựng, trong quản lý hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hình thức hợp đồng mới như EPC, BOT, PPP… Cũng nên quy trách nhiệm những cá nhân làm thiệt hại, lãng phí tài sản xã hội quá lớn, dù vốn đầu tư dự án là vốn vay. Có ai vay mà không trả.
DiaOcOnline.vn - Theo Người lao động