Lỗ hổng quản lý, chủ đầu tư ngoại 'vô tư' ôm tiền bỏ trốn

Cập nhật 04/08/2013 10:00

Mới đây, dư luận cả nước rúng động khi xuất hiện thông tin chủ đầu tư của công trình Tricon Towers (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bỏ trốn. Trước khi bặt vô âm tín, ông chủ đầu tư người Trung Quốc mang quốc tịch Mỹ còn kịp đút túi khoảng 400 tỷ đồng của người dân Việt Nam. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà mấy năm qua đã liên tiếp xuất hiện các vụ việc ông chủ dự án nước ngoài "xù" thuế, ôm vốn đầu tư của người dân bỏ trốn.

Mới đây, dư luận cả nước rúng động khi xuất hiện thông tin chủ đầu tư của công trình Tricon Towers (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bỏ trốn. Trước khi bặt vô âm tín, ông chủ đầu tư người Trung Quốc mang quốc tịch Mỹ còn kịp đút túi khoảng 400 tỷ đồng của người dân Việt Nam. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà mấy năm qua đã liên tiếp xuất hiện các vụ việc ông chủ dự án nước ngoài "xù" thuế, ôm vốn đầu tư của người dân bỏ trốn.

>> Bí ẩn chủ đầu tư 'mất tích' dự án Tricon Tower

Thông tin ông chủ dự án "mất tích" được "phát" đi vào ngày 26/7. Khi đó, nhiều người đã góp tiền mua căn hộ của dự án như ngồi trên đống lửa. Thậm chí, cả trăm người kéo ra trụ sở của công ty CP Đầu tư Minh Việt kiểm chứng thông tin và đòi lại tiền. Tại đây, nhiều người "ngã ngửa" khi thấy công ty này "vắng tanh như chùa Bà Đanh". Cả một công ty hoành tráng là thế chỉ còn một nữ nhân viên và hai con chó gác cửa. Trao đổi với PV, một người đã đóng tiền vào dự án cho biết, đây không phải lần đầu tiên công ty Minh Việt khất lần việc trả tiền cho khách. Hợp đồng mua bán với công ty này khẳng định rõ đến cuối năm 2011, muộn nhất là cuối tháng 6/2012 chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên đến nay, mặc dù đã quá hạn hơn một năm nhưng công trình chỉ làm xong phần móng. Những khung cột thép trên công trình đã han gỉ và chủ đầu tư biến mất.


Nhiều khách hàng bắt đầu nộp tiền để mua nhà ở tòa tháp Tricon Towers từ tháng 11/2009. Theo hợp đồng, căn hộ có giá từ 1.500-1.800 USD/m2. Căn hộ nhỏ nhất của Tricon là 131m2, lớn nhất là 575m2. Ngoài ra, cũng có các loại căn hộ lên đến 270 m2... Định kỳ đóng tiền là 3 tháng một lần. Mỗi lần đóng 20.000 USD nhưng nếu đóng 70% giá trị căn nhà, khách sẽ được giảm 5% tổng giá trị căn nhà.

Theo lời kể của các khách hàng "kiêm" nạn nhân, lần gặp mặt cuối cùng của họ với tổng giám đốc Edward Chi cách đây đã hơn 1 năm. Khi đó, người dân đến yêu cầu chủ dự án phải giải trình vì sao công trình lại thi công chậm chạp đến như vậy. Tuy nhiên, nhân lúc mọi người không chú ý, người đàn ông này đi nghe điện thoại và không thấy quay lại nữa. Sau khi không "chộp" được ông chủ ngoại, khách hàng đành "bắt" ông Phó tổng giám đốc công ty là ông Mai Văn Thanh ký xác nhận cuộc họp.

"Tháng 7/2012, khi phát hiện ra những việc mờ ám từ công ty này, chúng tôi đã viết đơn gửi lên các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức và bộ Xây dựng nhờ can thiệp. Tuy nhiên, dù chờ đợi mỏi cổ vẫn không nhận được phản hồi cụ thể của họ. Khi nhận được tin báo ông Edward Chi đã không còn ở Việt Nam, chúng tôi có làm gì đi nữa thì cũng đã quá muộn rồi", anh H. người đã đóng 10 tỷ đồng vào dự án bức xúc cho biết.

Khi được hỏi, ông Mai Văn Thanh, phó tổng giám đốc công ty Minh Việt cũng thừa nhận, trước đây ông từng trực tiếp ký hợp đồng, nhận tiền của nhiều khách hàng mua nhà dự án. Tuy nhiên, giờ người dân muốn lấy lại tiền thì phải tìm ông Edward Chi là người đại diện trước pháp luật của Minh Việt. Vì ông này nói rằng mình chỉ là người làm thuê nên không có đủ trách nhiệm để giải quyết.

Được biết, đây không phải vụ việc các ông chủ đầu tư nước ngoài "bỗng dưng" mất tích ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê, đây là vụ việc nghiêm trọng và số tiền "bốc hơi" lớn nhất.

Nhiều khách hàng đã đóng tiền tụ tập trước công ty Minh Việt

Vẫn còn nhiều lỗ hổng về pháp lý

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trung Hải, viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng: Các cấp chính quyền, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải có trách nhiệm ở những thủ tục ban đầu, còn khi dự án đã thi công, chủ đầu tư thường thuê một đơn vị giám sát riêng. Chính vì thế, cần có sự thẩm định chặt chẽ năng lực của chủ đầu tư ngay từ khâu xin giấy phép, phê duyệt dự án để tránh những sự việc đáng tiếc như trên. Tôi thấy rằng, hiện nay, khi xem xét để phê duyệt dự án, cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, để lọt những chủ đầu tư yếu kém dẫn đến không ít công trình rơi vào tình trạng dở dang, chủ đầu tư ôm tiền của dân bỏ trốn".

Cũng theo ông Hải, trong vụ việc tại Tricon Tower, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật. Lực lượng công an nên can thiệp để truy tìm tung tích của chủ đầu tư. Trong trường hợp xấu nhất, để đảm bảo quyền lợi của người dân có thể đấu giá công trình để có kinh phí trả lại cho người dân.

Khi PV liên lạc với ông Ngô Văn Quý, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội qua điện thoại để xin ý kiến về vấn đề này thì nhận được câu trả lời: "Lại giải trình "món" này à? Các em xem thế nào, viết những vấn đề mà nâng tầng của thành phố Hà Nội lên. Chứ cứ đi vào các dự án, khu thể thao các anh cũng vất vả lắm…".

Trao đổi với PV, luật sư Đoàn Minh Đức (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Những vụ việc doanh nghiệp nước ngoài (FDI) bỏ trốn cho thấy những lỗ hổng về cơ sở pháp lý cũng như cơ chế quản lý hoạt động của loại doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, luật pháp nước ta còn thiếu những văn bản pháp lý đầy đủ để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, gian lận đầu tư. Trước khi sang Việt Nam, các chủ đầu tư đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng pháp luật nước ta và tìm cách lách luật nếu có thể.

Tuy nhiên, trong vụ việc này cũng cần phải thấy rõ rằng sự kết hợp giữa các cơ quan hữu quan như bộ, sở Kế hoạch và Đầu tư, ngân hàng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp còn chưa tốt. "Sự đã rồi" xảy ra, các cơ quan này mới phát hiện ra và chỉ đi giải quyết hậu quả. Để chấn chỉnh vấn đề này, theo luật sư Đoàn Minh Đức thì, các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp FDI. Ngay khi nhận được ý kiến, đơn thư. "Trong vụ ông chủ đầu tư dự án, Edward Chi bỏ trốn, nếu các cơ quan chức năng làm rõ việc công trình chậm tiến độ từ tháng 7/2012 thì chắc chắn sự việc đã không  thiệt hại đến mức độ này", luật sư Đức khẳng định.

Được biết, mới đây, bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã ban hành văn bản số 7566/BKHÐT-PC hướng dẫn việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của những dự án nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn. Theo đó, đối với các dự án FDI vắng chủ, đã được xử lý về tài sản và vị trí đất thuê thông qua các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án và cơ quan thi hành án đã tổ chức bán đấu giá tài sản thì Ủy ban nhân dân tỉnh, ban quản lý các KCN căn cứ quy định tại Điều 64, khoản 2, Điều 65 luật Ðầu tư, nội dung giấy chứng nhận đầu tư, cam kết về tiến độ thực hiện dự án đầu tư để ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Sau khi chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư mới theo thủ tục chung.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin