Lô cốt chặn đường làm ăn tết của người dân

Cập nhật 04/12/2009 14:10

Không chỉ gây khó, gây khổ cho người đi đường vào những giờ cao điểm kẹt xe, những ngày này lô cốt còn chặn đường làm ăn tết của nhiều gia đình ở TP.HCM...

Không chỉ gây khó, gây khổ cho người đi đường vào những giờ cao điểm kẹt xe, những ngày này lô cốt còn chặn đường làm ăn tết của nhiều gia đình ở TP.HCM. Người có nhà mặt tiền muốn cho thuê thì không có khách thuê, người có cửa hàng thì buôn bán ế ẩm, đi không nỡ ở không đành.

Từ lâu, cứ vào dịp mua sắm cuối năm, đường Lê Văn Sỹ kéo dài từ quận Tân Bình sang quận Phú Nhuận luôn diễn ra cảnh mua bán tấp nập, nhiều cửa hàng được trang hoàng rực rỡ. Thế nhưng năm nay, dù chỉ còn ba tuần nữa là đến Noel – mùa mua sắm sôi động nhất của người dân thành phố – nhưng vẫn còn đó hàng chục cửa hàng (đoạn từ vòng xoay Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tuyển của quận Tân Bình đến nhà thờ Ba Chuông của quận Phú Nhuận) tách biệt hoàn toàn với thế giới mua sắm nhộn nhịp xung quanh, toàn cảnh “đìu hiu chợ chiều”.
 

 

Một góc bản đồ lô cốt do sở Giao thông vận tải lập


Bít cửa làm ăn

Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng kinh doanh giày dép trên đường Lê Văn Sỹ (phường 2, quận Tân Bình), bức xúc: “Mấy chú nhìn coi, chỉ một đoạn ngắn chưa đầy một cây số nhưng có tới bốn lô cốt thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM khu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè án ngữ. Mỗi lô cốt kéo dài cả trăm mét, lấy hết đường còn đâu mà mua với bán”.

Bà Phương, chủ một cửa hàng chuyên bán quần áo trẻ em trên đường Lê Văn Sỹ (phường 14, quận Phú Nhuận), cho biết những năm trước vào dịp mua sắm cuối năm, nhất là những ngày giáp Noel, trung bình mỗi ngày doanh thu của bà từ 2 đến 3 triệu đồng. Nhưng năm nay, dù ngồi dài cổ cả ngày cũng chỉ bán ra được vài ba bộ quần áo”.

Tương tự, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến công viên Lê Thị Riêng, hiện vẫn còn tới năm lô cốt. Tất cả các lô cốt đều hết thời gian thi công rào chắn nhưng vẫn vô tư tồn tại, “bít hết cửa làm ăn” của hàng trăm cửa hàng kinh doanh nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi tối 2.12, ông Ngô Văn Bản, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các vật dụng trang trí mùa Noel (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình), cho biết: “Cả ngày hôm nay cửa hàng của tôi có chưa đầy chục lượt khách đến mua. Nếu thời điểm này năm ngoái, khi đường còn thông thoáng, mỗi ngày tôi tiếp không dưới trăm lượt khách”.

Không có tết

So với hàng ngàn hộ kinh doanh bị lỡ dịp mua bán cuối năm do lô cốt thì bà Thanh, bà Phương, ông Bản dù có thiệt hại nhưng vẫn đỡ khổ hơn vì không phải thuê mặt bằng.

Bà Xuân, chủ một cửa hàng quần áo, ngay lô cốt gần ngã tư Lê Văn Sỹ – Phạm Văn Hai (phường 2, quận Tân Bình), cho biết suốt từ tháng 5.2009 đến nay, trung bình mỗi tháng cửa hàng bà lỗ khoảng 3 triệu đồng (cả tiền thuê nhà và tiền thuê nhân viên). Bà nói nhiều lúc muốn trả mặt bằng để kiếm địa điểm khác kinh doanh nhưng lại cố gắng vì thấy trên bảng thi công thông báo đến 31.7.2009 sẽ hết hạn thi công rào chắn. “Nhưng không ngờ, tới nay lô cốt vẫn còn ì ra đó. Không biết họ có hiểu mùa mua bán cuối năm là mùa làm ăn sống còn của những người đi thuê mặt bằng như chúng tôi không nữa. Họ làm ăn như vậy chẳng khác nào đang giết chúng tôi. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, coi như năm nay bọn chúng không có tết”, bà Xuân tâm sự.

Ông Nguyễn Hoài Thanh, chủ cửa hàng sửa xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 5, quận Tân Bình), lo lắng: “Từ nhiều năm nay, mỗi năm đến những tháng cuối năm ngày nào tôi làm cũng không hết việc còn năm nay thì ngồi không suốt ngày trong khi cả nhà tui trông chờ vào cái cửa hàng này. Bị lô cốt ám suốt như thế này không biết lấy đâu ra tiền tiêu tết”.

Tại TP.HCM hiện có hơn 200 lô cốt. Mỗi lô cốt không chỉ bít lối làm ăn của hàng chục nhà mặt tiền hai bên đường mà còn ảnh hưởng đến các cửa hàng mua bán trên cả con đường.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị