Tại Kiên Giang, trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích đất chủ yếu là đất ở, đất nằm trong những dự án qui hoạch phát triển khu du lịch, có giá trị kinh tế cao, mà các địa phương ...
Tại Kiên Giang, trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích đất chủ yếu là đất ở, đất nằm trong những dự án qui hoạch phát triển khu du lịch, có giá trị kinh tế cao, mà các địa phương tự tiện bao chiếm, phân phối chia cấp cho cán bộ, thân nhân gia đình cán bộ, được xác định là sai nguyên tắc, không đúng đối tượng lên đến hơn 2.300 ha, gây bức xúc trong dư luận.
Tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác, tiến hành 126 lượt thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, đưa ra những kết luận chính xác về thực trạng một số cán bộ địa phương tự tiện bao chiếm, chia chác, cấp đất công để có biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời.
Đến nay, đã có đến 25 tổ chức cơ sở Đảng bị xử lý kỷ luật, trong đó kiểm điểm rút kinh nghiệm 17 cơ sở, khiển trách 4 cơ sở, cảnh cáo 4 cơ sở. Xử lý trách nhiệm cá nhân 79 đảng viên, gồm khiển trách 39, cảnh cáo 23, cách chức 10 và có 7 đảng viên vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ khỏi Đảng và đưa ra truy tố trước pháp luật.
UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã ra gần 3.000 văn bản quyết định thu hồi tổng diện tích hơn 2.300 ha mà không ít cán bộ địa phương tự tiện bao chiếm, chia cấp không đúng nguyên tắc. Ngoài ra, còn có khoản tiền sử dụng đất phải thu hồi bổ sung lên đến 1.500 tỷ đồng.
Quyết tâm là vậy, nhưng xem ra việc thu hồi lại toàn bộ phần đất trên sẽ rất khó đạt được như mong muốn, tiến độ thu hồi rất chậm, đến nay mới chỉ đạt được trên dưới 50%.
Đáng nói hơn, thời gian vừa qua ngay trên phần đất lẽ ra phải được thu hồi, vẫn diễn ra tình trạng sang nhượng, có một số khu đất không chỉ sang nhượng 1 lần, mà đến đôi ba lần.
Nhưng rất tiếc, không ít trường hợp sang nhượng, chính quyền địa phương biết rõ, nhưng vẫn làm ngơ, không cảnh báo, ngăn chặn.
Theo Bộ TNMT