Liệu có còn “rối” với giấy chủ quyền?

Cập nhật 23/07/2009 15:40

Từ ngày 1-8-2009, Luật sử đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực, trong đó có quy định chỉ cấp một loại giấy chủ quyền cho nhà và đất. Quy định này có liên quan...

Từ ngày 1-8-2009, Luật sử đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực, trong đó có quy định chỉ cấp một loại giấy chủ quyền cho nhà và đất. Quy định này có liên quan rất sâu rộng đến quyền lợi của người dân TP.HCM, nơi có quỹ nhà đất đô thị lớn nhất nước.

Vòng quay 15 năm

Tính từ năm 1994 khi Nghị định (NĐ) 60/CP được ban hành, các địa phương trên cả nước, trong đó có TPHCM chỉ cấp một giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy hồng) cho các chủ sở hữu có nhà gắn liền với đất. Suốt 10 năm, thực hiện theo NĐ 60/CP, TPHCM có hơn 400 ngàn căn nhà được cấp giấy hồng, cộng với khoảng hơn 100 ngàn căn nhà được lưu dụng bằng các loại giấy trắng (cấp từ 1994 trở về trước). Đến năm 2004, khi NĐ 181/CP được ban hành (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003), việc cấp giấy chủ quyền được chuyển sang "sổ đỏ" cho cả nhà và đất, trong đó tài sản trên đất sẽ được đăng ký và ghi nhận vào "sổ đỏ”. Theo đánh giá của GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường thì Luật Đất đai 2003 và NĐ 181/CP đã thiết kế một hệ thống đăng ký bất động sản thống nhất và một loại giấy chứng nhận thống nhất. Vào thời gian này, TPHCM cũng triển khai cấp “sổ đỏ” theo mẫu của NĐ 181/CP cho gần 100 ngàn chủ sở hữu có đất gắn liền với nhà ở trên đất.

Tuy nhiên, đến ngày 8-10-2006, khi NĐ 90/CP (hướng dấn thi hành Luật Nhà ở) có hiệu lực, việc cấp giấy chủ quyền nhà đất lại chuyển sang một bước ngoặt mới. Bởi, NĐ 90/CP quy định là phải cấp thêm một "giấy hồng" cho phần nhà ở gắn liền với đất. Tiếp đó, tại thông tư 05 (hướng dẫn thực hiện NĐ 90/CP) của Bộ Xây dựng có quy định nếu chủ sở hữu nhà ở đã có “sổ đỏ” (theo NĐ 181/CP) mà có nhu cầu cấp thêm "giấy hồng” (theo NĐ 90/CP) thì cũng được cấp thêm một "giấy hồng" và không phải nộp lại "sổ đỏ”. Trong khi đó, tại TPHCM việc hướng dẫn và thực hiện cấp giấy chủ quyền cho nhà và đất thuộc hệ thống 2 sở (cấp thành phố), còn tại cấp quận huyện thì thuộc 2 phòng: Tài nguyên - Môi trường và Quản lý đô thị. Rắc rối liên liếp nảy sinh đối với quá trình giao dịch dân sự của người dân, bởi hệ thống "hai giấy, hai quyền" đã thực sự trở thành rào cản, khiến cho không ít tranh chấp xảy ra.

Như vậy, tính ra suốt trong 15 năm qua, việc thay đổi quá nhiều loại giấy khiến cho vấn đề xác định chủ quyền nhà đất của các chủ sở hữu bị đẩy vào tình thế rối rắm, phức tạp. Ở góc độ quản lý, do có nhiều loại giấy và do sự thay đổi nhiều cơ quan cấp giấy khiến cho cơ quan quản lý lúng túng khi phải đối diện với hàng trăm thứ việc để bộ máy thụ lý, giải quyết hồ sơ thích ứng với mỗi giai đoạn đổi thay của chính sách. Ở góc độ thị trường, có quá nhiều loại giấy khiến cho thị trường không minh bạch, việc giao dịch gáp nhiều khó khăn. Sự mệt mỏi với việc thay đổi nhiều loại giấy chủ quyền nhà đất đã hiện rõ trên nét mặt của mỗi công dân khi đến với các cơ quan công quyền để xác nhận sở hữu nhà đất của mình.

Và bây giờ, vòng quay 15 năm của "bánh xe" chính sách nhà đất đã trở lại bước ban đầu, chỉ khác là nếu năm l994 với NĐ 60/CP, mẫu giấy chủ quyền được gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở" và loại giấy này cơ bản dành riêng một hệ thống đăng ký cho đất ở, nhà ở đô thị thì nay được đổi lại thành "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và áp dụng trên toàn quốc. Còn màu sắc, màu giấy chủ quyền được thiết kế ra sao thì phải chờ, ít nhất là phải đến đầu năm 2010 mới có thể định hình được.

“Quản lý đất trước, là đúng”


Đó là ý kiến của ông Phan Tấn Lực - Phó chủ tịch UBND quận Tân Phú, một địa phương cho đến nay vẫn giữ quan điểm cấp giấy chủ quyền theo nội dung "một giấy, hai quyền". Với quận Tân Phú, trong số khoảng hơn 80 ngàn giấy chủ quyền phải cấp, đến nay quận đã cấp được khoảng 60 ngàn giấy. Sắp tới, nếu áp dụng theo Luật mà Quốc hội đã thông qua ngày 19-6-2009 thì hơn 20 ngàn căn nhà, thửa đất còn lại tập trung phần lớn ở các phường Sơn Kỳ, Tây Thạnh và rải rác ở các phường khác sẽ được cấp theo hướng công nhận quyền sử dụng đất trước, kèm với quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất", ông Lực cho biết.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các quận huyện khác tại TP.HCM cũng cho rằng việc cấp chủ quyền một giấy cho cả đất và nhà là hoàn toàn hợp lý. Đồng thời đa phần ý kiến đều thống nhất rằng, chủ sở hữu nhà có thể xê dịch, biến động, còn trên nền bản đồ địa chính, các thửa đất vẫn ổn định. Do vậy, trước hết phải công nhận quyền sử dụng đất và phải thống nhất về một đầu mối cấp giấy chủ quyền, đồng thời xác định lâu dài giá trị của các loại giấy đã cấp một khi người dân chưa có nhu cầu cấp đổi giấy, để tạo thuận lợi cho người dân khi giao dịch.

Đề cập đến việc quản lý nhà đất theo luật mới, có hiệu lực từ 1-8-2009, ông Nguyễn Hồng Lam, Phó phòng Tài nguyên-Môi trường quận 8 cho rằng: “Trước đây, do quá trình chính sách thay đổi nên bộ máy thụ lý hồ sơ cấp giấy chủ quyền của quận 8 phải chia thành nhiều bộ phận để giải quyết nhiều phần việc khác nhau. Ví dụ, khi người dân đã có “sổ đỏ” theo NĐ 181/CP rồi, nếu cần cấp "giấy hồng" theo NĐ 90/CP thì cũng phải thụ lý để cấp giấy. Còn nếu người dân đã có “sổ đỏ" nhưng muốn đăng ký tài sản trên đất (nhà ở, công trình khác…) thì cũng phải thụ lý bằng cách cập nhật vào "số đỏ" cho phù hợp với NĐ 181/CP... Vì vậy, nếu bây giờ chỉ cấp 1 giấy theo hình thức "một giấy, hai quyền" thì rất thuận tiện cho công tác thụ lý hồ sơ, cũng như quản lý nhà đất".

Cũng theo ông Lam, cơ quan thiết kế mẫu giấy mới cần lưu ý nên chăng sử dụng nhiều trang cho mẫu giấy để thuận tiện cho việc cập nhật biến động. "Còn nếu vẫn sử dụng 4 trang thì theo tôi nên cho phép có trang bổ sung để cập nhật biến động đối với những trường hợp giao dịch nhiều lần. Khi cập nhật, cơ quan cấp giấy sẽ đóng thêm dấu giáp lai đối với trang bổ sung này để xác định thẩm quyền quản lý, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân" - ông Lam nói.

Một vị lãnh đạo của Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM cho biết, đã chuẩn bị các khâu cho việc cấp giấy chủ quyền đất đai, nhà ở và các tài sản gắn liền với đất sắp tới, khi có NĐ của Chính phủ và thông tư hướng dẫn sẽ triển khai ngay cho các quận huyện để thống nhất cấp một giấy cho người dân.

 

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG