Lên quận: Cơ hội cho Bắc Từ Liêm “đổi đời"

Cập nhật 10/12/2013 13:55

Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà nội, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc lên quận sẽ tạo đà cho phía bắc Từ Liêm phát triển mạnh mẽ.

Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà nội, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc lên quận sẽ tạo đà cho phía bắc Từ Liêm phát triển mạnh mẽ.

Theo đề án tách quận do huyện Từ Liêm xây dựng, đường quốc lộ 32 sẽ là ranh giới chia Từ Liêm ra làm 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Quận Bắc Từ Liêm là phần đất ở phía bắc huyện, bao gồm diện tích của 9 xã: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông Nhuệ. Quận Nam Từ Liêm sẽ bao gồm toàn bộ phía nam huyện Từ Liêm với các xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, phần lớn diện tích xã Xuân Phương, một phần thị trấn Cầu Diễn.

Nhiều người cho rằng sau khi tách quận, Nam Từ Liêm sẽ là khu vực phát triển hơn hẳn bởi hầu hết các dự án lớn, các doanh nghiệp lớn đều tập trung tại đây, trong khi đó Bắc Từ Liêm kém phát triển hơn, vì không có cơ sở hạ tầng, không có nguồn thu để bù đắp, người dân vẫn sống dựa vào nông nghiệp.

Thực tế, hiện nay tại Từ Liêm, giá đất cũng có sự chệnh lệch rõ rệt giữa Nam – Bắc Từ Liêm. Nơi có giá đất cao nhất thuộc các xác Mỹ Đình, Mễ Trì đều thuộc địa phận của Nam Từ Liêm (sau khi chia quận).

Nam Từ Liêm, nơi tập trung nhiều dự án, nhà cao tầng.

Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề trên, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội cho biết, việc phát triển chệnh lệch như vậy là một sự tất yếu và khẳng định việc tách quận sẽ tạo đà cho Bắc Từ Liêm vươn lên mạnh mẽ. Ông Nghiêm cho rằng, việc lấy đường 32 chỉ là căn cứ để đô thị hóa, còn bản thân cả Nam – Bắc Từ Liêm đã chứa đựng rất nhiều dự án phát triển, chỉ có điều có chỗ đã và đang triển khai như Nam Từ Liêm nhưng có chỗ đang chờ đợi điều kiện để phát triển. Theo quy hoạch mới 2011 khẳng định sẽ có rất nhiều các khu đô thị mới phát triển nữa nên việc chia quận sẽ giúp phía Bắc Từ liêm có cơ hội vươn lên.

Ông Nghiêm cho hay, việc tách huyện Từ Liêm thành hai quận không phải vấn đề mới mà đã có sự chuẩn bị từ rất lâu. “Phải biết rằng từ 2001 đã đặt vấn đề tách huyện Từ Liêm rồi chứ không phải đến bây giờ nhưng khi đó vì có Hoàng Mai, Long Biên mới lên quận rồi nên không tiếp tục triển khai việc tách Từ Liêm. Đến 2006, UBND thành phố Hà Nội lại tiếp tục đưa vấn đề tách huyện Từ Liêm nhưng lại vướng việc mở rộng Hà Nội, sát nhập với Hà Tây nên tiếp tục phải dừng lại. Đến bây giờ quay trở lại tách quận là chúng ta đã có tới 13 năm để chuẩn bị vấn đề này. Nhìn lại cả địa bàn Từ Liêm, nếu xét về yếu tố đô thị thì phải xét đến yếu tố chức năng của Từ Liêm hiện nay là một trung tâm văn hóa thể dục thể thao dịch vụ thương mại, nơi đặt các trụ sở cơ quan Trung ương. Thứ hai là xét về dân số thì huyện Từ Liêm hiện có mật độ từ 7000-7500 người/km2, lớn gấp 3,5 lần quy chế để trở thành một đô thị (2000 người/km2), vấn đề hạ tầng kỹ thuật cũng đã cơ bản đồng bộ và có những khu đô thị phát triển đang hình thành…như vậy cả Nam và Bắc Từ Liêm đều đủ các yếu tố để hình thành đô thị là nội đô, bởi vì nó đều nằm trong vùng quy hoạch chung 2011 cả”, ông Nghiêm phân tích.

Bắc Từ Liêm phát triển kém hơn hẳn, người dân vẫn dựa vào nông nghiệp. Ảnh: Internet.

Theo ông Nghiêm, đương nhiên sẽ có vùng phát triển nhanh, vùng phát triển chậm, đó là tất yếu nhưng nhìn chung cả Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đều vượt qua cái ngưỡng để trở thành nội đô. Và khi tách ra để quản lý, rõ ràng thành phố phải có mức quan tâm, mức quản lý khác, đây chính là cơ hội, tạo đà cho Bắc Từ Liêm phát triển. “Bản thân Bắc Từ Liêm đã chứa đựng những khu đô thị rồi nhưng chưa có điều kiện để triển khai được thì việc tách ra, lên quận là yếu tố khẳng định nó là một đô thị, một quận nội đô. Trong quy hoạch chung đã khẳng định nó là khu nội đô phát triển vậy thì sẽ tạo điều kiện cho nó phát triển hơn. Bên cạnh đó, gía đất Bắc Từ Liêm khi thành quận sẽ được đẩy lên cao hơn…’, ông Nghiêm nói.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bất động sản cũng cho rằng việc tách Từ Liêm thành 2 quận sẽ là điểm sáng cho các nhà đầu tư trong tương lai. “Trở thành một quận nội đô sẽ giúp cả Nam và Bắc Từ Liêm thu hút thêm dân cư mới. Đây là động lực cho các dự án chung cư, văn phòng, khu thương mại phát triển. Chẳng hạn như ở phía Bắc Từ Liêm, nếu như trước đây, các dự án đã hình thành nhưng chưa có cơ hội triển khai do người dân không mấy mặn mà thì nay sẽ là động lực để các nhà đầu tư đổ tiền vào phát triển, làm nên bộ mặt mới cho khu vực này” Tuy không cho rằng giá đất Từ Liêm sẽ đủ sức tạo nên cơn “sốt” sau khi lên quận nhưng vị chuyên gia này khẳng định vị thế mới sẽ giúp giá đất tại đây lấy lại thăng bằng, vị thế của một đô thị nội đô chứ không quá “lép vế” so với các quận khác của Hà Nội như hiện nay.

Trước đó, theo công bố về chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý III/2013 của một số khu vực trên địa bàn thành phố của Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết Từ Liêm hiện đang là huyện có mức giảm giá chung cư cao nhất, mạnh nhất. Nếu như giá chung cư trung cấp tại quận Hà Đông là nơi có giá giảm sâu nhất và hiện chỉ bằng 66% so với thời điểm quý I/2011 thì mức giảm chung cư cao cấp của Từ Liêm đạt là 69%.

DiaOcOnline.vn - Theo Kiến thức