Lên đời nhà xã hội để hút khách

Cập nhật 15/08/2014 08:30

Để thu hút khách và “vượt mặt” nhà chung cư thương mại giá rẻ, chủ đầu tư nhiều dự án nhà xã hội đã chi hàng chục tỷ đồng đầu tư bể bơi, sân tennis, trung tâm thương mại…

Để thu hút khách và “vượt mặt” nhà chung cư thương mại giá rẻ, chủ đầu tư nhiều dự án nhà xã hội đã chi hàng chục tỷ đồng đầu tư bể bơi, sân tennis, trung tâm thương mại…


Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cung cấp dịch vụ bể bơi giá rẻ để cạnh tranh với nhà thương mại. Ảnh: Ngọc Mai Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cung cấp dịch vụ bể bơi giá rẻ để cạnh tranh với nhà thương mại. Ảnh: Ngọc Mai

Dịch vụ như nhà giàu

Hơn 2 tháng chuyển về khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), chị Bích Huệ vẫn không nghĩ mình đang ở khu nhà dành cho người nghèo.

“Căn hộ tôi ở tầng 2 nhưng suốt mùa hè không cần dùng quạt vì nhà luôn mát bởi cửa sổ hướng khuôn viên có nhiều cây xanh. Khu vui chơi với nhiều xích đu, cầu trượt cho trẻ được bố trí ngay trước tòa nhà là nơi các gia đình và trẻ nhỏ tụ tập mỗi khi chiều về. Quanh tòa nhà có tới 3 bể bơi phục vụ cư dân”, chị Huệ khoe.

Tâm trạng của chị Huệ cũng giống như hàng nghìn cư dân đang sinh sống tại khu nhà xã hội Đặng Xá. Nhiều gia đình có con nhỏ chia sẻ, trước khi chuyển về đây, cả gia đình không ai biết bơi nhưng chỉ sau hơn một tháng ai cũng bơi giỏi.

Ngay trong khu đô thị Đặng Xá, chỉ nhìn bằng mắt thường thì ít ai phân biệt được khu nào dành cho nhà nghèo và khu nào dành cho nhà giàu. Thậm chí khu nhà xã hội còn được bố trí nhiều cây xanh, ghế đá và dịch vụ vui chơi hơn khu thương mại.

Ông Trần Xuân Hùng - Phó GĐ Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera, chủ đầu tư nhà xã hội Đặng Xá thừa nhận, điểm yếu của dự án là xa trung tâm. Nhưng chính điều này tạo ra không gian sống thoáng đãng, yên bình cho người dân.

“Để hút khách, chủ đầu tư tự bỏ tiền xây bể bơi, khu vui chơi cho trẻ không tính vào giá bán. Ngay cả vé bơi chỉ thu tượng trưng, lấy tiền duy trì việc vệ sinh bể, thay nước. Phải mất 5 năm nữa mới có lãi từ việc cung cấp dịch vụ này”, ông Hùng chia sẻ.

Sau hơn một năm im hơi lặng tiếng, dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) của Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) cũng tái khởi động. Ông Cầm Anh Tuấn, Chánh văn phòng HUD cho biết: “Để phục vụ cư dân, dự án được tích hợp trung tâm thương mại với các dịch vụ: mua sắm, xem phim. Dự án có hơn 1.000 căn hộ nhưng hiện số hồ sơ đăng ký đã vượt quá số căn hộ bán”.

Bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư xây bể bơi, trung tâm thương mại, sân tennis… đang là xu hướng xây dựng của chủ đầu tư nhà xã hội. Tại TPHCM, Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cũng đang xây gần 2.000 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (huyện Bình Chánh).

Do giá bán ngang ngửa với giá nhà thương mại cùng khu vực nên nếu không có dịch vụ tốt sẽ không hấp dẫn người mua nhà. “Ưu điểm của nhà xã hội là nằm trong khu đô thị nên được hưởng hạ tầng tốt. Với dịch vụ tốt nữa thì khách hàng sẽ lựa chọn nhà xã hội thay vì nhà thương mại đứng lẻ loi một mình một góc”, đại diện Cty nói.

Giá bán sẽ bị đội?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng phát triển nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trong Nghị định 188 về Quản lý và phát triển nhà ở xã hội không quy định chủ đầu tư phải xây dựng tiện ích như: bể bơi, sân tennis hay trung tâm thương mại. Việc đầu tư này do chủ đầu tư bỏ ra.

“Các tiện ích này, cơ quan quản lý nhà nước rất khuyến khích vì phục vụ cho chính cư dân mua nhà. Tuy nhiên không loại trừ khả năng chủ đầu tư tính những dịch vụ tiện ích vào giá bán căn hộ. Tiền nào thì của đấy”, ông Đạm nói.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 124 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn.

“Việc xây dựng bể bơi, sân tennis hay trung tâm thương mại trong khu nhà ở xã hội phải phù hợp với thiết kế và đồng bộ. Chúng tôi không khuyến khích nhưng cũng không cấm nếu chủ đầu tư làm đúng”.
    Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng)
Nguyễn Mạnh Hà
 

Nhu cầu lớn, giá ổn định ở mức thấp khiến nhà ở xã hội vẫn tiếp tục là phân khúc được kỳ vọng phát triển mạnh trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cả nước hiện nay cần khoảng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó riêng TPHCM cần khoảng 130.000 căn, Hà Nội cần khoảng 115.000 căn.

Trong rất nhiều hội nghị, ông Nam cho rằng, không nên phân biệt khu nhà ở xã hội với khu nhà thương mại.

Có những dự án nhà xã hội xây dựng quy mô, nội thất hiện đại sẽ đắt hơn những dự án thương mại xây dựng giá rẻ. Người mua nhà có thể lựa chọn những dự án phù hợp với khả năng tài chính của gia đình.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong