Lấy 500 héc ta đất lúa phải trình Quốc hội

Cập nhật 21/06/2010 10:10

Các dự án, công trình có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta phải trình ra Quốc hội xem xét là một trong số những nội dung quan trọng mà Quốc hội đã đưa vào nghị quyết hôm 19-6.

Các dự án, công trình có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta phải trình ra Quốc hội xem xét là một trong số những nội dung quan trọng mà Quốc hội đã đưa vào nghị quyết hôm 19-6.


Các dự án chuyển đổi đất lúa từ 500 héc ta trở lên phải trình ra Quốc hội - Ảnh: TMB.

Theo nghị quyết này, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta được xem là có nhiều tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng dự án và đến an ninh lương thực quốc gia. Do vậy, việc sử dụng diện tích đến 500 héc ta trở lên phải báo cáo Quốc hội xem xét.

Nghị quyết về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cũng ghi rõ : Dự án, công trình sử dụng 50 héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học cũng phải trình ra Quốc hội.

Mặt khác, tổng vốn đầu tư dự án cấp quốc gia trình ra Quốc hội phê duyệt từ 20 ngàn tỉ đồng như hiện hành đã được phê chuẩn nâng lên 35 ngàn tỉ đồng; trong đó, có phần vốn nhà nước từ 11 ngàn tỉ đồng trở lên (và không quy định về hệ số trượt giá).

Dự án đầu tư ra nước ngoài trị giá 20 ngàn tỉ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 7 ngàn tỉ đồng trở lên cũng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội.

Quốc hội cũng chỉ thẩm tra về phương án lựa chọn công nghệ chính đối với dự án, công trình đầu tư trong nước và không thẩm tra về phương án lựa chọn công nghệ đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài vì phụ thuộc vào pháp luật của nước sở tại và bên có tỷ lệ vốn chi phối.

Ở các dự án có quy mô vốn lớn và thời gian thực hiện kéo dài trong nhiều năm thì Quốc hội có thể xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung. Sau đó trên cơ sở dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư cụ thể. Nội dung nghị quyết sẽ nêu rõ quy mô, tổng mức đầu tư, công nghệ chính đối với dự án, thời gian, tiến độ thực hiện…

Khi có thay đổi mục tiêu hoặc phát sinh tăng vốn đầu tư trên 10% hoặc kéo dài thời gian thực hiện dự án từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để xem xét, quyết định.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG