"Lật kèo" mua bán nhà đất vì giá vàng tăng nóng

Cập nhật 12/11/2009 09:20

Đặt cọc 70 cây vàng cho căn nhà giá 730 lượng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, lúc vàng 25 triệu đồng một lượng, khi giá chạm mức 27 triệu đồng...

Đặt cọc 70 cây vàng cho căn nhà giá 730 lượng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, lúc vàng 25 triệu đồng một lượng, khi giá chạm mức 27 triệu đồng, anh Hưng không mua nữa. Anh xin lại 50 lượng tiền cọc nhưng bị chủ nhà từ chối.

Anh Hưng phân trần vì giá vàng liên tục lập kỷ lục "như điên", mua nhà bằng vàng thời điểm này sẽ bị lỗ nặng nên anh xin chủ nhà cho khất lại giao dịch này. Theo đó, bên mua chịu lỗ 20 lượng, xin bên bán "thông cảm" hoàn lại 50 lượng vàng đặt cọc. Chủ nhà không chấp nhận đề nghị này. Quan điểm của bên bán (chủ nhà) là nếu không mua thì mất trắng chứ không hoàn vàng lại.

Nhân viên của một sàn địa ốc tại quận 3 chứng kiến thủ tục đặt cọc của giao dịch này cho hay, hai bên đã giằng co mấy ngày qua, hòa giải mãi mà không xong. Người mua tiếc vàng xin lại một phần tiền cọc, còn người bán khăng khăng không trả. "Vàng vẫn tăng giá liên tục trong nhiều ngày qua, nếu không mua căn nhà này, có thể anh Hải phải chịu mất trọn 70 cây vàng", người này nhận xét.

Một giao dịch khác rao bán nhà bằng tiền đồng nhưng cũng bị "chặn" bởi cơn sốt giá vàng lên cao trào. Đó là trường hợp của anh Nam, chủ căn nhà mặt tiền 68 m2 trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM, (một trệt, ba lầu). Anh Nam rao bán 13,5 tỷ đồng từ khi vàng treo giá 24,5 triệu đồng một lượng.
 

Một khách hàng chăm chú dọ giá nhà đất tại sàn địa ốc. Ảnh: H.P.


Khi rao bán, anh Nam thỏa thuận với người môi giới nhà đất rằng sẵn sàng giảm 300 triệu đồng, tức có thể bán với giá 13,2 tỷ đồng. Chủ nhà và khách đã mất 2 tuần thương lượng. Đến ngày chốt giá thì vàng sắp chạm ngưỡng 27 triệu đồng một lượng, chủ nhà đổi ý không chịu bán nữa và xin thêm 300 triệu đồng với lý do giá vàng tăng. Cuối cùng giao dịch bất thành vì người mua thấy bên bán bội tín.

Giải thích lý do "vòi" thêm tiền, Anh Nam phân bua: "Bây giờ tiền thu hồi về không đủ mua lại số vàng ngày xưa gia đình đã mua căn nhà này nên tôi buộc phải nâng giá bán lên".

Còn trường hợp của chị Mỹ, chủ căn nhà 100 m2 tại mặt tiền đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM, ngay phố kinh doanh quần áo thời trang thì ngược lại, chủ nhà cần bán nhưng giá vàng tăng vọt khiến khách "bỏ chạy". Chị Mỹ rao bán căn nhà phố Nguyễn Trãi giá 780 lượng vàng, dự tính nếu được giá 760-770 lượng sẽ bán. Thế nhưng rao bán từ lúc giá vàng còn 24 triệu đồng một lượng, đến khi thương lượng xong, giá vàng đội lên gần 27 triệu đồng nên khách "buông hàng".

Chị Mỹ cho biết, môi giới nhà đất đã tư vấn cho khách các thủ tục vay thêm tiền nhưng vàng đột ngột tăng giá. Vì thế, khách thay đổi quyết định cất vàng không mua nữa.
 

Khách hàng và các nhân viên tư vấn đang thảo luận tại sàn địa ốc ACBR hôm 10/11. Ảnh: V.L.


Tình hình chung tại các sàn địa ốc còn duy trì giao dịch nhà cá thể đều chuyển sang mua bán bằng tiền đồng để tránh cơn sốt giá vàng đang có diễn biến phức tạp. Tại TP HCM, hầu hết giao dịch nhà đất bằng hiện kim đang dừng lại "nhìn" giá vàng làm xiếc.

Anh Thành, môi giới tại sàn ACBR chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu cho biết, hơn một tuần nay, do giá vàng liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao, anh đã vuột mất 4 giao dịch tiềm năng. Từ khi chọn được sản phẩm ưng ý đến lúc thương lượng và tiến hành giao dịch trung bình mất 1-2 tuần. Những căn nhà giá trị lớn hàng trăm đến cả nghìn lượng vàng có khi phải thương lượng 3 tuần đến một tháng ròng. Song, hầu hết người mua kẻ bán đều "bị giá vàng làm hoa mắt" nên thay đổi quyết định xoành xoạch khiến các giao dịch bằng hiện kim liên tục bị lật kèo.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu (ACBR) Phạm Văn Hải cho biết, 90% các giao dịch thành công tại sàn ACBR trong tuần lễ vừa qua đều bằng tiền đồng. Tỷ lệ rao bán nhà đất bằng vàng hồi tháng 5 còn chiếm khoảng 25% thì nay con số này đang dưới 20% và trong tương lai có khả năng sẽ giảm xuống nếu giá vàng tiếp tục biến động.

Ông Hải nhận xét thêm, nếu giá vàng tiếp tục tăng đột biến sẽ dẫn đến tình huống nhà đất giao dịch bằng tiền đồng sẽ có tính thanh khoản cao, mua bán thuận lợi hơn vì tổng giá trị nhà đất so ra vẫn rẻ hơn vàng.

Riêng Giáo sư Hà Tôn Vinh nhận định, trong đợt cao điểm sốt giá vàng, các giao dịch nhà đất bằng hiện kim sẽ tạm đình trệ chờ qua cơn sóng lớn. Tuy nhiên việc mua bán nhà đất bằng vàng sẽ vẫn tiếp tục tồn tại bởi lẽ người dân luôn tin vào tính ổn định của vàng hơn là tiền đồng hay USD.

 

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress