Lãng phí khu công nghiệp bỏ hoang

Cập nhật 04/06/2014 10:14

Từ bắc đến nam, hầu như địa phương nào cũng có khu công nghiệp bỏ hoang. Không chỉ gây lãng phí cực lớn, đằng sau các dự án hoang vắng này còn là số phận của rất nhiều người đã mất đất, mất vườn với hy vọng sẽ tìm được việc làm khi khu công nghiệp hình thành.

Từ bắc đến nam, hầu như địa phương nào cũng có khu công nghiệp bỏ hoang. Không chỉ gây lãng phí cực lớn, đằng sau các dự án hoang vắng này còn là số phận của rất nhiều người đã mất đất, mất vườn với hy vọng sẽ tìm được việc làm khi khu công nghiệp hình thành.

Khung cảnh hoang tàn ở KCN Lai Vu, Hải Dương - Ảnh: Lê Quân

Nhiều nơi hoang phế

Khu công nghiệp (KCN) dịch vụ dầu khí Soài Rạp (xã Gia Thuận và thị trấn Vàm Láng, H.Gò Công Đông, Tiền Giang) thành lập từ năm 2007 với diện tích 285 ha, do một công ty con trực thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) làm chủ đầu tư. Sau hơn 3 năm triển khai, chủ đầu tư chỉ xây dựng được một dãy nhà trệt trơ trọi giữa cánh đồng rồi bỏ hoang. Khi Vinashin lâm cảnh thua lỗ, để cứu dự án, UBND tỉnh Tiền Giang giao Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) làm chủ đầu tư nhưng tình hình cũng không khá hơn. Đến nay, KCN này cũng chỉ có… một nhà máy của Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí VN xây dựng trên diện tích 18 ha. Hàng trăm héc ta còn lại, trước đây vốn là rừng phòng hộ và đất nuôi tôm của người dân bị thu hồi, vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc.

Tương tự, dù nằm sát QL5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, địa thế đẹp và đã trải qua 2 lần "đổi chủ" từ Vinashin sang Tập đoàn dầu khí VN, nhưng KCN Lai Vu (H.Kim Thành, Hải Dương) rộng 212,98 ha cũng chỉ thu hút được vài dự án, còn đa phần đất vẫn bỏ hoang cả thập niên qua. Đầu tháng 4.2014, KCN tiếp tục được đổi chủ, giao về UBND tỉnh Hải Dương quản lý nhưng chưa thấy cải thiện được gì. Trong khi đó, KCN Lai Vu từng nổi tiếng vì nông dân mất ruộng gửi đơn khiếu nại khắp cơ quan chức năng, đến nay  vẫn chưa giải quyết xong. Nhìn cả vùng đất rộng mênh mông để hoang với những nhà xưởng trơ dàn kết cấu thép đã hoen gỉ vì nắng mưa, những người nông dân nơi đây không thể kìm lòng.

Tỉnh Hà Nam có 8 KCN thì đa phần bỏ hoang, điển hình như KCN Hòa Mạc, Châu Sơn, Đồng Văn 2… Vĩnh Phúc cũng là tỉnh tập trung nhiều KCN bỏ hoang như KCN Bá Thiện 1, Chấn Hưng, Khai Quang. KCN Bá Thiện 1 được thành lập cuối năm 2007 với diện tích 327 ha, nhưng đến giữa năm 2013 mới 53 ha được thuê, còn lại vẫn bỏ hoang. Phần lớn trên tổng diện tích quy hoạch 131 ha của KCN Chấn Hưng cũng đang bỏ cho cỏ mọc.

Nông dân thuê lại đất của mình bị thu hồi

Đó là hoàn cảnh trớ trêu của rất nhiều người dân sống xung quanh KCN. Như trường hợp anh Trương Ngọc Hiền (ngụ xã Đông Phú, H.Châu Thành). Năm 2007, anh Hiền bị thu hồi 10 công đất để làm KCN Sông Hậu. Nhiều năm sau thấy KCN vẫn bỏ hoang, để cỏ mọc phí quá nên anh xin chủ đầu tư cải tạo 3 công đất trồng dưa leo, đậu, bắp… Còn tại KCN An Nghiệp (Sóc Trăng), nhiều người dân cũng đang thuê lại đất trồng trên 20.000 gốc thanh long.

Xót ruột vì đất hoang hóa, một số người dân ở quanh các KCN ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng có ý định thuê chính đất của mình để sản xuất. Ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Chấn Hưng, H.Bình Xuyên) cho biết gia đình có hơn 1 sào đất bị thu hồi làm KCN. Nhưng hiện tại ở đây vẫn chỉ là bãi đất hoang nên ông muốn thuê lại chính phần đất này để mở xưởng thu mua đồng nát. Còn KCN Hoàng Xá (H.Cẩm Giàng, Hải Dương) rộng hơn 183 ha chỉ là bãi cỏ hoang mênh mông cho chăn trâu bò, con nít đá bóng. Để tận dụng, một số chỗ người dân đã đào ao, nuôi cá.

Tại xã Châu Sơn (H.Duy Tiên, Hà Nam) gần như toàn bộ đất nông nghiệp được mang ra làm KCN nhưng bỏ hoang khiến người dân vốn trông cậy vào mảnh ruộng, bỗng dưng thất nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Châu Sơn gần như tay trắng, chồng đi mò cua bắt ốc, vợ bán hàng rau, mỗi ngày thu nhập của gia đình chỉ vài chục ngàn đồng. Đứa con lớn năm nay 17 tuổi, học lớp 8 đã nghỉ học dở chừng, đi làm phụ hồ. Đứa nhỏ hơn 15 tuổi cũng bỏ học đi học nghề mộc. Nhiều hộ gia đình tại Thanh Liêm, Kim Bảng cũng lâm vào cảnh phải đong gạo từng bữa, hoặc lên Hà Nội mưu sinh trong khi chính mảnh ruộng của mình bị bỏ hoang cho cỏ mọc.

Họ đang sống ký sinh trên mảnh đất cũ của gia đình mình.

Sử dụng chỉ 5 - 50% diện tích

Khảo sát mới đây của chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại Cần Thơ cho thấy, ĐBSCL hiện có 74 KCN và 214 cụm công nghiệp (CCN) được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000 ha. Tuy nhiên, hơn 92% diện tích chưa đưa vào sử dụng. Phần lớn các KCN, CCN chỉ sử dụng khoảng 5 - 40% diện tích đất, số còn lại hầu như bị bỏ hoang phí. Còn kết quả giám sát của thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với doanh nghiệp trong KCN, CCN, khu du lịch phần lớn sử dụng đất chưa đến 50% diện tích đất được thuê và có nhiều sai phạm. Chẳng hạn, tại KCN Nam Đông Hà có 9 dự án chưa sử dụng đất xây dựng giai đoạn 2 với diện tích 79.001 m2, có 10 dự án sử dụng đất không đúng mục tiêu đầu tư với diện tích 12.330 m2.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên