Không thiếu công cụ pháp luật, điều quan trọng là cán bộ chức trách có làm hay không mà thôi.
Thửa đất 86 Nguyễn Thị Minh Khai hơn 3.000 m2 đang làm bãi giữ xe, gây lãng phí. Ảnh: HTD |
Không thiếu công cụ pháp luật, điều quan trọng là cán bộ chức trách có làm hay không mà thôi.
Đó là ý kiến cá nhân của ông Nguyễn Tiến Khang, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh câu chuyện lãng phí đất công. Kết quả của đợt kiểm kê quỹ đất lớn nhất từ trước đến nay đối với các tổ chức cũng đã được Bộ TN&MT trình Thủ tướng vào đầu tháng 7.
Hết cơ hội “sửa sai”
* Thưa ông, kết quả kiểm tra cho thấy một diện tích lớn đất công đã bị chuyển nhượng trái phép, bị lấn chiếm. Xử lý cụ thể với từng trường hợp như thế nào?
+ Đối với diện tích đất chuyển nhượng trái pháp luật, theo đề xuất của Bộ, cần củng cố các cơ sở pháp lý để lập thủ tục thu hồi rồi giao đất đó cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, lập kế hoạch sử dụng hoặc chuyển giao cho các đối tượng hiện đang có nhu cầu sử dụng đất. Kiên quyết không để các tổ chức đã chuyển nhượng, cho mượn đất trái luật tự sửa sai bằng cách đòi lại, mua lại đất đó.
Đối với các khu đất bị lấn chiếm, UBND các cấp sở tại có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và các phương án giải phóng mặt bằng, giao trả lại đất đó cho nhà nước quản lý, sử dụng vào mục đích khác mà không giao lại cho tổ chức có đất để bị lấn chiếm.
Các dự án đầu tư triển khai chậm quá quy định thì kiên quyết chấm dứt thực hiện dự án và lập thủ tục thu hồi đất, không gia hạn.
Không được ôm đất
* Tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều cơ quan nhà nước không sử dụng hết trụ sở, đất được giao đã cho thuê để lấy tiền. Việc tạo nguồn thu như vậy có đúng không?
+ Theo luật, các cơ quan được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không được cho thuê đất, ngoại trừ lâm nông trường trước được cho thuê khoán lại đất. Trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thì đất đó được cho thuê lại.
Cá nhân tôi cho rằng khi cơ quan, tổ chức đã cho thuê nhà đất thì có nghĩa là đơn vị đó không có nhu cầu sử dụng diện tích đã cho thuê đó. Trong trường hợp này, nhà nước cần phải thu hồi diện tích nhà đất đã đem cho thuê đó.
* Còn với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích thì sao?
+ Đối với các khu đất sử dụng không đúng mục đích của cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công, UBND cấp tỉnh thông báo cho các tổ chức này biết để đưa đất đó vào sử dụng đúng mục đích trong thời gian không quá một năm. Trường hợp tổ chức không khắc phục thì sẽ xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan và thu hồi diện tích đất sử dụng không đúng mục đích đó.
Riêng đối với các tổ chức kinh tế, Bộ kiến nghị lập các thủ tục để thu hồi đất và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, lập kế hoạch khai thác, sử dụng đúng mục đích. Kiên quyết không để các tổ chức kinh tế tự khắc phục tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích.
Sếp cũng phải nhả
* Thực tế có chuyện đất tại nhiều trụ sở cơ quan nhà nước đã bị biến thành đất ở của lãnh đạo, cán bộ cơ quan đó. Trường hợp này phải xử lý thế nào?
+ Theo tôi, nếu cả khuôn viên cơ quan vuông vắn lại bị làm méo mó đi bởi một vài căn nhà của lãnh đạo cơ quan được bố trí trong đó thì cần phải đưa các hộ này ra ngoài bằng việc bố trí đất cho họ ở khu khác.
Trường hợp đất của tổ chức sử dụng không đúng mục đích như làm đất ở cho cán bộ, công nhân viên chức thì phải bàn giao lại cho UBND quận, huyện, thành phố để quản lý. Người đang sử dụng đất ở sẽ được xem xét, cấp giấy chứng nhận nếu phù hợp với quy hoạch khu dân cư của địa phương.
Nếu tổ chức sử dụng đất được giao xây dựng nhà ở bằng vốn có nguồn gốc từ ngân sách để phân chia cho cán bộ, nhân viên thì phải bàn giao quỹ nhà đất đó cho cơ quan quản lý nhà của địa phương quản lý để bán hóa giá nhà theo Nghị định 61.
“Sao lại khó đến thế?”
* Chuyện lãng phí đất công rất phổ biến nhưng xử lý lại rất khó. Đó là lý do khiến vi phạm ngày càng nhiều hơn, thưa ông?
+ Bộ TN&MT đã đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức. Đặc biệt là việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức có sai phạm trong kỳ kiểm kê đất đai này để xử lý.
Theo tôi, việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai thực ra không có gì khó bởi nhà nước đã có đầy đủ pháp luật trong tay. Chỉ có điều là cán bộ có chức trách làm hay không mà thôi. Nếu chỉ nói thôi mà không làm thì không giải quyết được vấn đề gì. Chẳng hạn, nếu không ra quyết định thu hồi đất thì làm sao thu hồi được... Tại sao khi làm đường giao thông thì nhà nước vẫn thu hồi được đất mà trường hợp thu hồi đất do để hoang, sử dụng sai mục đích, cho thuê trái phép... lại khó đến thế? Khó là bởi vấn đề này thường đụng chạm tới những cán bộ có quyền lực!
* Cảm ơn ông.
Gần 300.000 ha đất bị bỏ hoang
Kết quả kiểm kê quỹ đất của các tổ chức được Bộ TN&MT chủ trì thực hiện từ năm 2008, báo cáo Thủ tướng đầu tháng 7-2009 cho thấy:
- Đất bỏ hoang gần 300.000 ha.
- Đất bị lấn chiếm trên 250.000 ha.
- Đất sử dụng không đúng mục đích trên 25.500 ha.
- Đất cho thuê trái phép gần 3.000 ha, trong đó khối tổ chức, cơ quan nhà nước chiếm tỷ lệ cao nhất.
- Đất chuyển nhượng trái phép trên 350 ha, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Long An, Kiên Giang.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP