Lãng phí đất công

Cập nhật 02/06/2014 09:00

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán năm 2013 về niên độ ngân sách năm 2012 gửi đến kỳ họp Quốc hội thứ 7 đang diễn ra, nêu rõ sự lãng phí đất đai của hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán năm 2013 về niên độ ngân sách năm 2012 gửi đến kỳ họp Quốc hội thứ 7 đang diễn ra, nêu rõ sự lãng phí đất đai của hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), nhiều tập đoàn, tổng công ty đang quản lý và sử dụng diện tích đất đai lớn nhưng còn để đất không, chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

Bị lấn chiếm, xà xẻo

Điển hình là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) có đến 111.470 ha đất chưa sử dụng, trong đó đất ở nước ngoài chiếm hơn 1/2. Các đơn vị khác như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Công ty CP Cơ khí Xây dựng 121 thuộc Tổng Công ty Công trình giao thông 1 (Cienco 1), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ (MICCO) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)… đều có từ vài ngàn đến vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn mét vuông đất bỏ không.

Dự án căn hộ 381 Bến Chương Dương, quận 1, TP HCM do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ 4 năm Ảnh: Tấn Thạnh

KTNN cũng chỉ ra việc Công ty CP Đầu tư khoáng sản - Than Đông Bắc thuộc Tổng Công ty 319 sử dụng chưa đạt mục tiêu của phương án đầu tư được duyệt tại thửa 259 đường Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP HCM và đất tại xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông; VNA cũng có 24.717,8 m2 đất dự án đang bị “trùm mền”.

Công ty CP Bông Tây Nguyên thuộc Vinatex được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cà phê 5.544,7 m2 nhưng sử dụng làm nhà kho và cho thuê 155 m2 không đúng quy định tại hợp đồng thuê đất.

Việc quản lý, sử dụng đất đai kém hiệu quả tất yếu dẫn đến tình trạng đất công bị lấn chiếm, tranh chấp. Chỉ riêng VRG đã có đến 12.000 ha đất bị lấn chiếm; Seaprodex 24.619 m2; cảng hàng không quốc tế Nội Bài 18.881 m2. Các đơn vị khác như Công ty CP in Hàng không cũng bị lấn chiếm 900 m2, Vinacomin 497 m2…

Hầu hết chậm tiến độ

Cũng theo KTNN, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đều có dự án triển khai chậm hoặc kéo dài nhiều năm làm giảm hiệu quả đầu tư dẫn đến nguy cơ xảy ra rủi ro, thiệt hại về kinh tế, xã hội rất lớn.

Đơn cử như Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO) với hàng loạt dự án được giao đất từ trước năm 2002 nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa hoàn thành. Hay toàn bộ 7/7 dự án kinh doanh bất động sản được chọn để kiểm toán của Tổng Công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) đều chậm tiến độ.

Dự án nhà ở CT13 phục vụ tái định cư ở khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) thực hiện với số vốn 593 tỉ đồng đã chậm tiến độ đến 6 năm. Dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) chậm 8 năm so với quyết định phê duyệt dự án ban đầu.

Ngoài ra, 24 dự án và 37 gói thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chậm tiến độ. Một số dự án của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) được giao đất từ những năm 2005-2009 nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa triển khai.

Nợ tiền thuê đất đầm đìa

Không chỉ chậm tiến độ, các đơn vị còn thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ ngân sách nhà nước về đất đai. Cụ thể, Công ty CP Xây dựng Công nghiệp thuộc UDIC chậm nộp tiền sử dụng đất của 2 dự án nên bị phạt 23 tỉ đồng. Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa chưa nộp đủ tiền thuê đất, thuê mặt biển tại khu nghỉ mát Ana Mandara (Nha Trang) hơn 21 tỉ đồng.

Đặc biệt, 9 dự án với diện tích 626.729 m2 và diện tích tăng thêm tại 4 dự án của RESCO chưa nộp tiền sử dụng đất. Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) thậm chí chưa nộp tiền sử dụng đất đã thu của các hộ dân thuộc dự án tòa nhà 21 tầng Minh Khai (Hà Nội) lên tới 56,44 tỉ đồng.

Cienco1 còn nợ tiền thuê đất 5,03 tỉ đồng, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc thuộc Vinacomin chưa nộp tiền sử dụng đất từ năm 2001 đối với 1.706 m2 đất tại số 1 Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ACV có hơn 688 ha, công ty mẹ VNA ôm 122.601,4 m2, Công ty Ya Ly thuộc Tổng Công ty Sông Đà ôm 106.411 m2... đều chưa nộp tiền thuê đất.

Kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân

KTNN kiến nghị cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm liên quan đến vấn đề đất đai. Cụ thể, KTNN kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của HĐQT, ban giám đốc của Cienco1 trong việc chưa xây dựng phương án sử dụng 18.386,7 m2 đất còn bỏ trống tại khu tập thể và xưởng cơ khí ở Hà Nội.

Vinatex bị đề nghị kiểm điểm và thông qua người đại diện phần vốn chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những sai sót, hạn chế trong việc thực hiện dự án xây dựng tòa nhà tại số 10 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM; chưa chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà đất tại số 57B Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội với Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Á Châu theo kết luận của Ban Chỉ đạo 09.

Ngoài ra, KTNN còn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cienco 5 làm rõ để xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại trong sử dụng quyền sử dụng đất 112.528 m2 (đất dự án Làng Bang, TP Hạ Long, Quảng Ninh); bảo lãnh để Công ty CP Đầu tư An Hưng vay vốn không đúng theo quy định.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động