Làn sóng mua bán sáp nhập dự án tại TP. Hồ Chí Minh

Cập nhật 19/09/2011 08:55

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, việc mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản sẽ là xu thế tất yếu. Nhiều chuyên gia nhận định, hoạt động này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, việc mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản sẽ là xu thế tất yếu. Nhiều chuyên gia nhận định, hoạt động này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nguồn vốn, do vậy các chủ đầu tư đang đẩy mạnh việc “săn” tìm nguồn tài chính mới cho dự án bất động sản. Trong đó, việc mua bán, sáp nhập (M&A) được cho là thượng sách. Bởi đây là một trong những phương án huy động vốn tối ưu nhất bởi nó mang lại lợi ích cho cả hai phía và là lối thoát cho nhiều chủ đầu tư nếu không muốn phá sản.

Trong những tháng đầu năm 2011, làn sóng M&A diễn ra khá mạnh đặc biệt tại TPHCM nơi có nhiều dự án bất động sản lớn, tiềm năng. Theo dự đoán của giới phân tích xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ đặc biệt cuối năm nay.

Có thể kể ra hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập của rất nhiều dự án như thương vụ Quỹ đầu tư JSM Indochina chuyển nhượng dự án Peninsula với giá khoảng 228 tỷ đồng, cho Công ty Sao Sáng Saigon - đơn vị thành viên của Ngân hàng Nam Á.

Hay thương vụ công ty Đầu tư địa ốc Khang An chuyển nhượng 80% vốn góp dự án khu dân cư tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. HCM cho đối tác Dacin Holdings của Singapore.

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã thông qua chủ trương bán một số dự án, như Căn hộ Hoa Sen Phước Long B và Hoa Sen Riverside (quận 9, TP.HCM), chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 123, Trần Não, phường Bình An, quận 2; bán đi 45% phần vốn góp tại Dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept...

Qua tìm hiểu được biết, trên thị trường hiện nay phổ biến hai dạng dự án chuyển nhượng. Thứ nhất, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Họ là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản bị tác động của khủng hoảng kinh tế, sự xuống dốc của thị trường đã ảnh hưởng đến hoạch động kinh doanh nên họ có nhu cầu chuyển nhượng để duy trì “sự sống”. Hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhưng có đầu tư bất động sản, nay thị trường này khó khăn nên họ chuyển nhượng dự án để tập trung vào ngành kinh doanh chính của mình.

Một dạng thứ hai là không khó khăn về tài chính bởi mục tiêu của các doanh nghiệp này là lập dự án xong rồi bán. Tuy nhiên, dù hình thành hai loại doanh nghiệp xuất phát từ mục đích chuyển nhượng khác nhau nhưng xem ra xu hướng chuyển nhượng do khó khăn về tài chính vẫn chiếm số đông.

Theo phân tích của ông Đặng Hùng Võ, để giải quyết tốt việc kinh doanh thì xu hướng sáp nhập, mua bán, chuyển nhượng dự án là chuyện rất bình thường.

Phần lớn các thương vụ M&A trong BĐS thường được thực hiện tại các dự án đang triển khai ở giai đoạn đầu. Vì vậy, việc chuyển nhượng dự án chủ yếu thông qua chuyển nhượng cổ phần chi phối của dự án. Đối với những dự án đã hoàn thành hạ tầng, có quyền huy động vốn thì chưa thấy thương vụ nào được thực hiện.

Ông Vũ Văn Vương - chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Vương cho rằng, theo quy định luật pháp bất kỳ dự án nào phải hoàn thiện xong hạ tầng mới triển khai việc chuyển nhượng. Đối với những dự án đang dở dang, chưa xong thủ tục nếu muốn chuyển nhượng thì phải trả về cho tỉnh đấu thầu lại. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ đầu tư vẫn “lách” luật trong việc sang nhượng lại dự án dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần chi phối.

Nếu chuyển nhượng dưới hình thức bán cổ phần thì người mua cổ phần của công ty đó hết sức rủi ro bởi họ không nắm được hết mọi việc công ty đó cũng như mối quan hệ với các đối tác khác. Đặc biệt, họ không thể nắm hết được hợp đồng kinh doanh của công ty đó với đối tác bên ngoài đã được thanh quyết toán hết chưa hay vẫn nợ…Tại Hà Nội xu hướng chuyển nhượng dự án không nhiều bởi chủ đầu tư xin dự án ở Hà Nội là rất khó khăn và phải có năng lực tài chính mới có thể làm dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia