Làn sóng bán dự án địa ốc chưa dừng

Cập nhật 10/09/2013 16:56

Một loạt doanh nghiệp đang lên kế hoạch bán dự án. Mức giá ở nhiều nơi, theo lãnh đạo doanh nghiệp, chỉ bằng 30-50% chi phí đầu tư ban đầu.

Một loạt doanh nghiệp đang lên kế hoạch bán dự án. Mức giá ở nhiều nơi, theo lãnh đạo doanh nghiệp, chỉ bằng 30-50% chi phí đầu tư ban đầu.

Hồi cuối tháng 8, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam đã thông qua việc hợp tác đầu tư, phân chia lợi nhuận với đối tác và các hình thức khác để bán, chuyển nhượng dự án Tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Licogi 16 cũng thông qua việc tìm đối tác để bán dự án Sky Park Residence (Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy).

Theo báo cáo bán niên đã soát xét, 6 tháng đầu năm LCG lỗ hợp nhất hơn 60 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 16 tỷ đồng. Tại văn bản giải trình, công ty này cho biết, thị trường địa ốc đóng băng nên lĩnh vực này không đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Sky Park Residence là dự án gồm hai khối nhà, trong đó khối văn phòng có chiều cao 25 tầng, khối chung cư có chiều cao 35 tầng. Theo báo cáo của LCG, chi phí xây dựng dở dang cơ bản của dự án này tới 30/6 là 98 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cũng đã nhất trí chủ trương cho đối tác góp vốn với để đầu tư và hoàn tất hạ tầng kỹ thuật cũng như hồ sơ pháp lý của Dự án khu nhà ở tại phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM. Sau khi đáp ứng đủ điều kiện, Savimex sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án cho đối tác.

Trước đó, vào giữa tháng 8, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Coma 18 đã quyết định chuyển nhượng dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng VP6 - Bán đảo Linh Đàm, Hà Nội với giá gần 13 tỷ đồng. Theo CIG, công ty chuyển nhượng dự án này để thu hồi vốn đầu tư, tập trung thi công tiếp tòa nhà Westa, Hà Đông.

Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thông qua việc nhượng toàn bộ Dự án chung cư Bàu Sen. Trong trường hợp không chuyển nhượng được, công ty này thống nhất sẽ điều chỉnh cơ cấu căn hộ tại dự án này từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Trên một số trang web, nhiều dự án căn hộ hoặc hỗn hợp văn phòng ở những vị trí đắc địa như Tây Hồ, Thanh Xuân... cũng đang được rao bán. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận định, tình trạng doanh nghiệp bất động sản đang hấp hối và buộc lòng phải bán dự án ngày càng nhiều. Theo chuyên gia này, việc nhiều dự án cao cấp gần đây phải giảm giá tới 50% cho thấy sự thiếu tiền mặt một cách trầm trọng.

Ông Đực cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này cũng dự định chuyển nhượng một dự án. "Tuy sản phẩm của chúng tôi vẫn bán được nhưng Đất Lành cũng có một số khó khăn về tài chính", vị này cho hay.

Là đơn vị chuyên môi giới chuyển nhượng dự án, ông Phan Xuân Cần, Giám đốc điều hành Soho Việt Nam cho biết, hiện nhu cầu bán khá lớn, đặc biệt là loại tháp căn hộ và văn phòng.

Riêng căn hộ, đơn vị này đang nhận bán khoảng 30-40 dự án giá dao động 100-300 tỷ đồng, tập trung ở những vùng mở rộng phát triển đô thị mạnh như Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoài Đức... Trong đó, chủ yếu là loại dự án đã làm xong thủ tục nhưng chưa triển khai xây dựng hoặc mới làm cọc, tầng hầm.

"Riêng với loại dự án căn hộ, chủ đầu tư đã triển khai bán cho khách hàng rồi thì rất khó tìm người chuyển nhượng. Người mua rất ngại xử lý những vấn đề phát sinh với nhóm khách hàng cũ", ông Cần cho hay.

Theo Giám đốc Soho Việt Nam, lượng khách hàng bán nhiều nhưng tỷ lệ nhà đầu tư quan tâm chỉ khoảng 5-7%. "Do đó, bên bán thường khá kỹ tính, phải là dự án sạch, có vị trí, giá hấp dẫn, hồ sơ thủ tục về cơ bản gần như đầy đủ mới dễ bán. So với mức giá ban đầu, những giao dịch thành công bị ép giá khá mạnh", ông Cần nói.

Lãnh đạo Đất Lành cũng cho biết, không ít dự án tại TP HCM gần đây bị nhà đầu tư nước ngoài mua chỉ bằng 30-50% giá trị đầu tư ban đầu.

"Doanh nghiệp cần tiền nên phải bán, dù giá rất thấp. Nếu không bán thì dự án đổ vỡ kéo theo cả công ty điêu đứng. Do đó, nhiều đơn vị chấp nhận bán xong để được an thân chứ không tính đến lời lãi. Vì thế, tôi cho rằng, việc chuyển nhượng dự án vẫn sôi động và bất lợi luôn rơi vào bên bán", ông Đực nhận định.


DiaOcOnline.vn - Theo Info TV