Làm thế nào để gỡ khó cho thị trường bất động sản?

Cập nhật 05/09/2011 13:10

Có ý kiến cho rằng một số chính sách liên quan đến thị trường bất động sản hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập đang gây khó cho doanh nghiệp và giới đầu tư kinh doanh bất động sản.

Có ý kiến cho rằng một số chính sách liên quan đến thị trường bất động sản hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập đang gây khó cho doanh nghiệp và giới đầu tư kinh doanh bất động sản.


Khó khăn nhất là giai đoạn đầu tìm hiểu và tiếp cận đất đai để hình thành và phát triển dự án. Hệ thống văn bản và trình tự thủ tục về kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản chưa theo kịp những diễn biến thực tiễn của cuộc sống. Khi có sự việc xảy ra, rất khó để phân định trách nhiệm của các chủ thể liên quan hay việc xác định tính công ích, tính thương mại của một công trình.

Theo phân tích của Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những bức xúc của các doanh nghiệp tham gia thị trường bất động sản thời gian qua chính là sự phân biệt đối xử. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện vẫn chỉ được giao đất có thời hạn để phát triển dự án, trong khi các chủ đầu tư trong nước lại có thể được giao đất dài hạn. Cũng vì thế mà có tình trạng người dân mua nhà của các doanh nghiệp trong nước thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, còn nếu mua của chủ đầu tư nước ngoài thì phải nộp thêm tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Điển hình là một số vụ khiếu nại giữa khách hàng và chủ đầu tư tại các dự án Ciputra (Hà Nội) hay Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh)… Trong vấn đề này cần có thái độ ứng xử khách quan hơn để đảm bảo quyền lợi và tính công bằng không chỉ giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mà còn đối với chính người dân là khách hàng của họ.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, chuyên gia về đất đai và bất động sản, nói theo quy định hiện nay, mới chỉ có các tổ chức tín dụng trong nước được nhận thế chấp bất động sản. Đây cũng là một khó khăn đối với một số doanh nghiệp xây dựng và phát triển bất động sản. Nhất là trong thế bí hiện nay, khi họ đang cần huy động các nguồn tài chính lớn hơn từ bên ngoài để giảm áp lực do việc thắt chặt tín dụng từ phía các ngân hàng trong nước.

Mặc dù có những kết quả tích cực cả về chất và lượng của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý thị trường bất động sản, nhưng trong bối cảnh thiếu vốn hiện nay, vẫn chưa xuất hiện các quỹ tiết kiệm bất động sản, quỹ đầu tư tín thác hay phát hành trái phiếu bất động sản, thế chấp thứ cấp bất động sản… để hỗ trợ thị trường bất động sản tự “co kéo” để tồn tại, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của thị trường vào hệ thống tài chính, ngân hàng.

Tiến sĩ Trần Kim Chung (CIEM) cho rằng các quy định về đăng ký bất động sản, về thuế hay các giá trị phái sinh khác từ bất động sản cũng cần sớm được điều chỉnh phù hợp để kích cầu…

Tính ổn định và khả năng dự báo là nền tảng cho sự phát triển của bất kỳ lĩnh vực nào trong nền kinh tế quốc dân. Song đó lại là điều chưa rõ nét ở thị trường bất động sản Việt Nam, giai đoạn hiện nay. Tiến sĩ Lê Xuân Bá nhấn mạnh: “Trong vài năm qua, hệ thống chính sách phát triển thị trường bất động sản liên tục thay đổi. Có những thay đổi đột ngột, tác động lớn tới tâm lý của toàn thị trường, dẫn tới những cơn ‘nóng-sốt’ trong giao dịch”.

Có thể khẳng định rằng hệ thống chính sách, văn bản pháp luật hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản Việt Nam. Nhưng hệ thống này cũng cần được điều chỉnh kịp thời để tạo nên xung lực mới cho thị trường bất động sản để không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà còn tồn tại phát triển lâu dài, theo kịp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn