Làm nhà đầu tư không được thì xin làm “môi giới”

Cập nhật 15/11/2011 09:10

“Chúng tôi đề nghị lần cuối cùng, hãy cho chúng tôi quyền để chúng tôi mời gọi đối tác khác, có lẽ không bằng tập đoàn Teco nhưng cũng là tập đoàn lớn khác có thứ hạng trên thế giới, vào cùng chúng tôi thực hiện tâm huyết vì đất nước Việt Nam phát triển, vì thành phố mang tên Bác, ....


Không khó để gọi đầu tư vào khu đất đắc địa này. Ảnh: H.T
“Chúng tôi đề nghị lần cuối cùng, hãy cho chúng tôi quyền để chúng tôi mời gọi đối tác khác, có lẽ không bằng tập đoàn Teco nhưng cũng là tập đoàn lớn khác có thứ hạng trên thế giới, vào cùng chúng tôi thực hiện tâm huyết vì đất nước Việt Nam phát triển, vì thành phố mang tên Bác, vì sự tôn trọng cao nhất đến các lãnh đạo thành phố…”

Trên đây là lời đề nghị thiết tha của công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (SGT) trong một văn bản do tổng giám đốc Hoàng Sĩ Hoá ký gửi UBND TP.HCM sau khi dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm bị thu hồi. SGT là đơn vị góp 20% vốn cùng tập đoàn Teco thành lập công ty TA Associates Việt Nam đầu tư dự án nói trên.



Văn bản của công ty cổ phần viễn thông Sài Gòn (SGT) gửi các nơi nói về quá trình thực hiện dự án và nguyện vọng của mình.

SGT: “Xin được thấu hiểu”


Vì sao chủ đầu tư không thực hiện dự án, SGT giải thích: ngày 21.4.2010, ông Ted Huang, chủ tịch TA Việt Nam đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và gửi ban quản lý Thủ Thiêm, khẳng định làm theo các điều kiện trong văn bản của thành phố gửi TA Việt Nam trước đó một tuần, và không đưa ra các yêu cầu như trước đây nữa, mà chỉ xin miễn tiền phạt cho thời gian chậm thanh toán vì điều kiện bất khả kháng do suy thoái kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, ban quản lý Thủ Thiêm không ký hợp đồng thuê đất với TA Việt Nam theo đúng luật Việt Nam, nên cơ sở trả tiền thuê đất khi chưa ký hợp đồng thuê đất là chưa phù hợp luật Đất đai của Việt Nam…

Theo SGT, TP.HCM đã họp nhiều lần, chủ yếu ban quản lý Thủ Thiêm không đồng ý miễn tiền phạt, nên đến nay cũng không có văn bản chính thức trả lời văn bản trên của chủ tịch TA Việt Nam Ted Huang. Trong khi đó, mặc dù ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch HĐQT SGT, được chủ tịch TA Việt Nam, ông Ted Huang, uỷ quyền làm việc với thành phố và ban quản lý Thủ Thiêm để quyết định các vấn đề còn lại, nhưng chưa một lần ông Tâm được mời làm việc chính thức. SGT nói rằng, TA Việt Nam khẳng định, nếu ban quản lý Thủ Thiêm không phạt TA Việt Nam thì họ sẵn sàng đầu tư dự án này...

Sau khi “giải trình”, SGT nói rằng mình đã tổn thất nhiều nên mong “UBND TP.HCM, ban quản lý Thủ Thiêm thấu hiểu và tạo điều kiện nên chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất trả 100% tiền thuê đất, nhưng không được chấp nhận… Nay bằng văn bản này, chúng tôi đề nghị lần cuối cùng, hãy cho chúng tôi quyền để chúng tôi mời gọi đối tác khác, có lẽ không bằng tập đoàn Teco nhưng cũng là tập đoàn lớn khác có thứ hạng trên thế giới, vào cùng chúng tôi thực hiện tâm huyết vì đất nước Việt Nam phát triển, vì thành phố mang tên Bác, vì sự tôn trọng cao nhất đến các lãnh đạo thành phố và ban quản lý…”

Ban quản lý Thủ Thiêm và luật sư: đã đúng quy định

Ngày 13.11, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, một vị trong ban quản lý Thủ Thiêm, thẳng thắn: tất cả những nội dung trong văn bản của SGT gửi UBND TP.HCM là ý kiến riêng của SGT, đó là quyền của họ. Ban quản lý Thủ Thiêm khẳng định, trong vụ việc đầu tư xây dựng dự án phần mềm Thủ Thiêm, ban quản lý Thủ Thiêm luôn làm theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. “Không lẽ bây giờ họ lại tự nhận là họ đã làm sai”, vị này phân tích.

Về việc SGT đề nghị tiếp tục dự án bằng việc mời một nhà đầu tư nước ngoài khác, vị này nói: “Ban quản lý Thủ Thiêm không bình luận gì. Ban quản lý Thủ Thiêm chờ ý kiến của UBND TP.HCM rồi sẽ có những động thái tiếp theo”.

Trước đó, trong cuộc gặp với các cơ quan báo chí, ông Dương Công Luận, trưởng phòng kế hoạch đầu tư ban quản lý Thủ Thiêm cho biết, ngày 11.6.2008, công ty TA Associates Việt Nam có quyết định được chấp nhận đầu tư, nhưng chỉ năm ngày sau chủ đầu tư đã gửi văn bản đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, chủ đầu tư đề xuất 13 yêu cầu như giảm tiền thuê đất, giãn tiến độ thanh toán tiền thuê đất, thay đổi quy hoạch, tăng thời hạn thuê đất khu nhà ở từ 50 năm lên 70 năm và khi hết hạn thuê sẽ được tự động gia hạn thêm 70 năm tiếp theo…

Theo ông Luận, những kiến nghị này trái với cam kết trong hồ sơ đăng ký đầu tư, thành phố không thể đáp ứng. Ông Luận cũng khẳng định, ban quản lý Thủ Thiêm chưa hề nhận được thông tin nào về việc SGT xin trả hết tiền thuê đất cho công ty TA. Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Trần Đức Phượng, văn phòng luật sư Hợp Việt, cho rằng, theo quy định của luật Đầu tư, sau khi thành lập doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp này có trách nhiệm thực hiện hoạt động đầu tư dự án, do vậy UBND TP.HCM làm việc với doanh nghiệp liên doanh là đúng với pháp nhân đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đúng quy định pháp luật. Việc công ty SGT cho rằng chưa có buổi làm việc với các cơ quan nhà nước liên quan vấn đề này là có sự nhầm lẫn về tư cách pháp nhân.

Trong trường hợp dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, theo luật sư Phượng, lúc này SGT chỉ có thể thực hiện thủ tục về đầu tư như đăng ký dự án mới theo quy định luật Đầu tư giống như bao doanh nghiệp khác.

Một nhà đầu tư (không muốn nêu tên) trong lĩnh vực bất động sản cho biết, dự án ba năm không thực hiện nhưng đến nay TP.HCM mới ra quyết định thuận chủ trương thu hồi giấy phép đầu tư là chậm, đáng lẽ dự án này phải bị thu hồi từ năm 2009, khi ban quản lý Thủ Thiêm kiến nghị.

Bình luận về việc SGT xin thành phố cho họ mời gọi nhà đầu tư khác vào để tiếp tục dự án, nhà đầu tư này cho rằng, luật đã quy định rõ những dự án như thế nào thì buộc phải thu hồi, nên không có bất cứ lý do gì để nhân nhượng với nhà đầu tư này, nhà đầu tư khác. Đối với các khu đất vàng khác, nếu muốn đầu tư thì nhà đầu tư còn phải tham gia đấu thầu. Trong khi đó, khu đất tại dự án phần mềm Thủ Thiêm lại là đất sạch, có vị trí đắc địa thì không quá khó để kêu gọi đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị