Lại mở đường sống cho công trình sai phép

Cập nhật 07/05/2013 14:10

Bộ Tài nguyên và môi trường đang có ý định đồng ý cho phép các công trình vượt tầng được tồn tại nếu đảm bảo an toàn và chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai…

Bộ Tài nguyên và môi trường đang có ý định đồng ý cho phép các công trình vượt tầng được tồn tại nếu đảm bảo an toàn và chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai…

 >> Nộp tiền để tồn tại: Không dễ
 >> Công trình sai phép, không phép: Cứ nộp phạt là yên mọi bề?

Đó là điểm đáng chú ý trong  Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) đang được bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ thông qua.

Nếu những quy định của bộ Tài nguyên môi trường được thông qua sẽ mở ra con đường sống với những công trình sai phép vượt tầng

Theo đó, trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai nhưng xây dựng nhà ở vượt số tầng so với giấy phép xây dựng và đã bàn giao nhà cho người mua thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo kiểm tra, nếu vẫn đảm bảo an toàn thì giải quyết cho tồn tại công trình, chủ đầu tư phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất  chênh lệch do thay đổi hệ số sử dụng đất theo giá quy định của UBND cấp tỉnh tại thời điểm giao đất. Người mua nhà ở được cấp giấy chứng nhận mà không phụ thuộc vào việc nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư.
Riêng đối với trường hợp tổ chức kinh tế tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm đất ở và đã xây dựng, bàn giao nhà cho người mua nhà nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nếu việc xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch hoặc có văn bản chấp thuận về chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất sang làm nhà ở thì UBND cấp tỉnh quyết định công nhận việc chuyển mục đích sử dụng đất sang làm nhà ở cho tổ chức kinh tế để làm thủ tục cấp giấy cho người mua nhà.

Trước đấy, bộ Xây dựng cũng đưa ra lấy ý kiến về Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ thay thế Nghị định 23 bổ sung nhiều hành vi vi phạm và các mức phạt cũng gia tăng hơn.

Điểm đáng chú ý, trong dự thảo Nghị định này cũng cho phép công trình sai phép, không phép được điều chỉnh giấy phép xây dựng.Theo đó, công trình sai phép, không phép nhưng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và phải nộp lại một phần số lợi bất hợp pháp có được.

Theo quy định dự thảo Nghị định mới số tiền nộp lại tương đương 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với nhà ở tại đô thị. Đối với dự án, tỉ lệ này là 50%.

Như vậy, xét theo quy định tại hai Nghị định này thì số các công trình sai phép nếu đáp ứng được một số thủ tục pháp lý vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Điều này dấy lên lo ngại về sự buông lỏng quản lý trước đó tại các địa phương, nay nếu hai Nghị định này được thông qua sẽ mở đường cho các công trình sai phép tiếp tục được tồn tại.

Theo một báo cáo mới nhất của Hà Nội thì vi phạm trật tự xây dựng đang có chiều hướng gia tăng, mức độ vi phạm nghiêm trọng, phổ biến là tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Theo bộ Xây dựng,  qua kiểm tra 16.233 công trình, phát hiện tới 3.028 trường hợp vi phạm, trong đó có1.688 vụ công trình xây dựng không phép.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí