Kỳ vọng vào nhà ở xã hội

Cập nhật 01/01/2013 08:28

Trong bối cảnh hầu hết các phân khúc đều “lạnh” toàn phần và vẫn trên đà lao dốc, thì nhà ở xã hội đang được kỳ vọng sẽ là nhân tố để vực dậy thị trường bất động sản.

Trong bối cảnh hầu hết các phân khúc đều “lạnh” toàn phần và vẫn trên đà lao dốc, thì nhà ở xã hội đang được kỳ vọng sẽ là nhân tố để vực dậy thị trường bất động sản.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.
 

Ảnh minh họa.


Thời gian qua, các chương trình phát triển nhà ở cho người nghèo khu vực nông thôn, người có công, nhà vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, vùng lũ lụt miền Trung đã được đặc biệt quan tâm, tuy nhiên việc xây dựng nhà ở cho đại bộ phận người thu nhập thấp ở đô thị vẫn chưa được nhiều, còn manh mún, tự phát.

Chiến lược phát triển nhà ở lần này là lần đầu tiên đưa ra khái niệm thị trường nhà ở hàng hóa và nhà ở phi hàng hóa và phân rõ 8 nhóm đối tượng cần thiết phải ưu tiên phát triển nhà ở để tập trung giải quyết. Hiện nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị, công chức, viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang đang rất khó khăn, phát triển nhà ở phải tập trung vào những đối tượng này và giải pháp chính là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội...

Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải có giải pháp cụ thể về nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Với khối lượng các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nếu tất cả đều hoàn thành thì phải rất nhiều năm nữa mới tiêu thụ hết. Chính vì vậy, rất cần phải kiểm soát phát triển, phải rà soát, đánh giá lại thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp. “Cần phải cơ cấu lại các dự án để cứu bất động sản, nhưng làm theo cách nhân văn là làm nhà ở cho người nghèo mà doanh nghiệp vẫn có lãi. Làm nhà xã hội chính là một gói kích cầu đa mục đích mà cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi” - Bộ trưởng Dũng phân tích.

Đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội cũng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp. Ông Đoàn Châu Phong, Phó Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, tại khu đô thị Bắc An Khánh, đơn vị này có 18,5 ha đã được chấp thuận chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Hiện Vinaconex đã hoàn chỉnh hồ sơ, phương thức thực hiện, dự kiến sẽ khởi công vào quý I/2013. Ngoài ra, nếu được thành phố Hà Nội chấp thuận, Vinaconex sẽ triển khai tiếp dự án 50 ha tại khu đô thị Đại Áng (Thanh Trì) rất thuận tiện về giao thông, hạ tầng, phát triển theo mô hình đô thị nhà ở xã hội.

Còn theo đại diện Tập đoàn Nam Cường, đơn vị này hiện đang lập dự án khu đô thị 140 ha tại Đại Mỗ, trong đó có khoảng 40ha diện tích đất ở và dự kiến sẽ dành 10-15ha để làm nhà ở xã hội. Để kéo giá nhà ở thương mại xuống gần với nhà ở xã hội nhằm giảm lượng hàng tồn kho bất động sản, Tập đoàn Nam Cường đã kiến nghị các ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay xuống 10% thay vì 18% như hiện nay, đồng thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15%, giảm thuế VAT cho người mua nhà ở thương mại còn 5%... Nếu cộng các yếu tố trên thì giá nhà ở thương mại có thể giảm được từ 25-30%.

Xung quanh vấn đề cơ chế chính sách cho phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết thêm, theo Nghị định phát triển nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng trình Chính phủ, các cơ chế hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều. Các dự án nhà ở xã hội sẽ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, thuế GTGT với người mua là 5%. Bên cạnh đó cũng mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, thu hẹp bớt điều kiện, tiêu chí được mua, bán. Bộ Xây dựng đang kiến nghị những chính sách này được áp dụng từ quý II/2013.
 

DiaOcOnline.vn - Theo GTVT