Trên địa bàn TPHCM hiện có 70 trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) với trên 320.000 sinh viên (SV), trong đó khoảng 70% đến từ các tỉnh. Nhu cầu về chỗ ở của SV vì thế luôn là vấn đề “nóng”...
Trên địa bàn TPHCM hiện có 70 trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) với trên 320.000 sinh viên (SV), trong đó khoảng 70% đến từ các tỉnh. Nhu cầu về chỗ ở của SV vì thế luôn là vấn đề “nóng” từ hàng chục năm qua bởi số ký túc xá (KTX) hiện có của TPHCM chỉ đáp ứng cho khoảng 17% tổng số SV.
KTX “nhiều không”
Theo thống kê của các trường ĐH, CĐ tại TPHCM, trên địa bàn hiện chỉ có 64 khu KTX, với khoảng 5.230 phòng đáp ứng chỗ ở cho 39.260 SV. Trong đó 14 khu KTX đã xuống cấp trầm trọng, rất nhiều KTX được xây dựng hơn 30 năm trước như: ĐH Y Dược (quận 1, 5, Phú Nhuận, Tân Bình), ĐH Kinh tế (quận 1, 3, 5), ĐH Nông Lâm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật…
Tại KTX ĐH Nông Lâm ở quận Thủ Đức, các lớp gạch men bị vỡ nát từ lâu nhưng không được sửa chữa, cửa ra vào quá cũ và bẩn làm cho lối đi giữa 2 dãy nhà tối mù. Những tiện nghi sinh hoạt rất tệ, SV phải sử dụng khu nhà vệ sinh chung, điện, nước chập chờn. Ở đây chỉ có một khu cho SV tự học lại nằm dưới tầng hầm của căn tin nên rất bí, thiếu ánh sáng tự nhiên.
Khu B và khu C KTX ĐH Sư phạm Kỹ thuật tại quận Thủ Đức cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều mảng tường loang lổ, cũ xì nên các SV phải dán giấy hoa che bớt; bị chuột, gián “tấn công” có thể xem là chuyện thường ngày... Hệ thống cống thoát nước thì thường xuyên quá tải nên mới những cơn mưa đầu mùa mà KTX đã nhầy nhụa nước bẩn tràn vào phòng. Được biết, khu A đã bị phá bỏ, còn 2 khu B và C đã hết hạn sử dụng.
Theo nhiều SV, muốn sống đỡ cực hơn chút thì có thể ra ngoài thuê những khu nhà trọ do tư nhân xây gần các trường.
Không chỉ “chịu trận” với tình trạng xuống cấp, việc nhiều khu KTX bố trí quá nhiều SV trong một phòng cũng ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt. Các KTX cũ trung bình bố trí 6 - 12 SV/phòng, có một số KTX bố trí đến 18 - 20 SV/phòng như KTX Trường Sân khấu Điện ảnh, Trường Văn hóa TP, thậm chí có KTX bố trí 25 SV/phòng như Trường Bán công Marketing.
Không ít khu KTX “nhiều không”, gồm: không sân chơi thể thao, không ti vi, không Internet… nên SV không thể ở, phải “chạy” ra ngoài, dù như có bạn đã nói ở trên nhà trọ cũng không có nhiều thứ.
Nghịch lý là dù nhìn tổng thể thì KTX không đủ cung cấp chỗ ở cho SV nhưng cũng có một số KTX lại “phải” cho người ngoài vào thuê như KTX ĐH KHTN (quận 1), KTX ĐH Bách khoa (quận 10)…
KTX “3 sao” - Giấc mơ có thật
Những khu KTX xây dựng sau này - chủ yếu tại khu KTX ĐH Quốc gia TPHCM, có chất lượng tốt hơn. Cùng với các khu nhà ở cao tầng là khuôn viên cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng mang dáng dấp của một khu đô thị mới. Các khu nhà được xây dựng theo mô hình khép kín, rộng rãi, thoáng mát.
Mỗi phòng ở dành cho 8 SV, có khu nhà tắm, nhà vệ sinh, khu vực phơi đồ, ban công. SV được trang bị tủ cá nhân, một máy tính được kết nối Internet… Ngoài ra, mỗi khu nhà có phòng xem truyền hình, khu vực đọc báo, phòng đọc sách với hơn 1.000 đầu sách.
Hương, SV năm thứ 2 Khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TPHCM, vui vẻ cho biết: “KTX như là thiên đường của SV! Chúng em không chỉ được ở trong căn phòng đầy đủ tiện nghi, mà còn có không gian xanh rất đẹp.
Cơ ngơi bề thế của ký túc xá đại học
Bách khoa TPHCM. Ảnh: Mai Hải.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng