Kỳ 2: Kinh nghiệm của Trung Quốc

Cập nhật 02/09/2010 09:30

Kinh nghiệm cải tạo đô thị của Trung Quốc cũng là một ví dụ đáng kể. Năm 1949, nước CHND Trung Hoa được thành lập, mọi việc quy hoạch và xây dựng đều thụ động theo sự sắp xếp của Nhà nước...

Kinh nghiệm cải tạo đô thị của Trung Quốc cũng là một ví dụ đáng kể. Năm 1949, nước CHND Trung Hoa được thành lập, mọi việc quy hoạch và xây dựng đều thụ động theo sự sắp xếp của Nhà nước. Năm 1980, Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường, công tác quy hoạch và xây dựng bước đầu bị xáo trộn và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước. Ngay sau đó, Trung Quốc lập ngành mới - thiết kế đô thị (TKĐT) nhằm quản lý có hiệu quả công tác xây dựng.

Năm 1987, Thẩm Quyến đã có quy hoạch tổng thể chi tiết về tu bổ và TKĐT, tuy nhưng cũng phải mất thời gian đến năm 1990, Trung Quốc mới áp dụng quy hoạch này trên toàn quốc. Trong quy hoạch và TKĐT, Thẩm Quyến đã xây dựng một khung kết cấu của thành phố, bao gồm hệ thống giao thông, kết cấu không gian, hình thái kiến trúc, nét đặc sắc của khu vực và coi đây là những tiêu chí để quản lý đô thị.

Trong TKĐT, Thẩm Quyến còn đưa ra những quy định cụ thể từ hình thức kiến trúc, chiều cao công trình, vật liệu, màu sắc, khoảng lùi của công trình… bằng các bản vẽ, hệ thống văn bản và điều lệ quản lý kèm theo. Hàng năm, Thẩm Quyến còn tiến hành các nghiên cứu quy hoạch mang tính chuyên đề, những kế hoạch quản lý quy hoạch cần thực thi trong năm, những bản báo cáo công việc đã làm trong công tác quy hoạch. Đồng thời, Thẩm Quyến còn tăng cường công bố rộng rãi các bản vẽ quy hoạch và xây dựng trên phương tiện truyền thông nhằm lấy trưng cầu dân ý.

Kết quả là từ một làng chài nhỏ bé khoảng vào những năm 80, Thẩm Quyến giờ đã trở thành một trong những thành phố phát triển vào bậc nhất của Trung Quốc, làm thay đổi thế giới quan của những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và quy hoạch. Từ đó, TKĐT được nhân rộng ra ở các thành phố khác của Trung Quốc như Đại Khánh, Chu Hải hay Thiên Tân...


TP Thẩm Quyến

Trung Quốc là Quốc gia đông dân, mật độ cư trú lớn và khả năng ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tốt, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng giải pháp thay đổi cấu trúc (phá bỏ khu chung cư cũ - KCCC) tại các khu trung tâm đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến… để phát triển nhà cao tầng với quy mô rất lớn, có tính toán kỹ về các yếu tố kỹ thuật. Đồng thời biện pháp này được phát triển và thực hiện đồng loạt tại các đô thị, khai thác tối đa tiềm năng đất đô thị và đã mang lại thành công lớn.

Do diện tích các thành phố lớn Trung Quốc rộng nên việc di dời, giải phóng mặt bằng, xây dựng mới và cải tạo xây dựng thực hiện theo quy hoạch có nhiều thuận lợi. Từ 1979-1988 Thượng Hải đã xây dựng 220 công trình nhà ở cao tầng với 2,12 triệu m2 sàn. Từ 1989-1990 số nhà ở cao tầng đã lên tới 625 toà nhà, dự định xây dựng thêm 542 toà nhà, tổng cộng là 1.167 toà nhà với diện tích 13,45 triệu m2 sàn, đa phần từ 12-20 tầng, có khu 24-30 tầng. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, hàng loạt các nhà chọc trời được liên tiếp mọc lên, khẳng định bước phát triển mới của Trung Quốc.

Trong trường hợp các khu vực phát triển mới hoặc cải tạo đô thị được triển khai tại những địa điểm đã từng được sử dụng như đất đô thị trước đây, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc thường phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến trưng thu đất. Những năm gần đây, vấn đề này vẫn được xử lý căn cứ theo các quy định và được tiến hành hết sức nhanh chóng. Về nguyên tắc, vấn đề xã hội hết sức nhạy cảm được chính quyền thành phố chỉ đạo về mặt chính sách. Trong những dự án kiểu như vậy, rất khó có thể có được những cuộc thương lượng có kết quả và các khoản tiền đền bù không hoàn toàn thoả đáng.

Sự tham gia của cộng đồng bị coi là gây chậm trễ cho khâu thiết kế và thi công hoặc chỉ gây thêm nhiều tranh cãi nên dễ trở thành những yếu tố gây rối loạn cho công tác quy hoạch. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng chỉ còn mang tính hình thức. Sự tham gia của cộng đồng đã trở thành một hình thức thông tin cuối cùng trước khi tiến hành thi công. Người ta duy trì một hệ thống với những hình thức tiếp xúc rất chung chung và các thông báo chính thức, tránh đối thoại trực diện với người dân.

Hiện trạng quy hoạch, phát triển đô thị ở Trung Quốc hiện nay đang diễn ra với một tốc độ chóng mặt nhưng đáng nể, mặc dù có rất nhiều biểu hiện vận dụng các cách làm quy hoạch của nhiều nước khác nhau và mức độ thành công cũng dừng ở mức nhất định.

>>kỳ 1: Kinh nghiệm của Pháp
>>Kỳ 3: Kinh nghiệm của Singapore
>>Kỳ 4: Kinh nghiệm của Nga
>>Kỳ 5: Kinh nghiệm của Mỹ

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng