Theo những người trong cuộc, có bốn giải pháp để đẩy lùi tình trạng thi công cầu đường kéo dài. Đó là nghị định có tuổi thọ, giải phóng mặt bằng nhanh, đổi mới công tác đấu thầu và làm dự án đón đầu.
Theo những người trong cuộc, có bốn giải pháp để đẩy lùi tình trạng thi công cầu đường kéo dài. Đó là nghị định có tuổi thọ, giải phóng mặt bằng nhanh, đổi mới công tác đấu thầu và làm dự án đón đầu.
Cầu Cần Thơ sẽ thông xe vào cuối tháng 3-2010 - Ảnh: Gia Tiến |
Trong 15 năm (tính từ năm 1994 đến nay), bên cạnh Luật xây dựng, Luật đấu thầu, còn có 21 nghị định liên quan đến đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, đấu thầu, quản lý chi phí xây dựng được ban hành.
Chưa kịp “thuộc” nghị định
“Cai đầu dài” Theo ông Dương Tuấn Minh, hiện nay nhiều tổng công ty trở thành “cai đầu dài” vì họ lấy tỉ lệ phần trăm giá trị gói thầu, còn việc thi công tốt hay xấu, nhanh hay chậm là do công ty thành viên thực hiện. Các tổng công ty không xử phạt công ty thành viên vì các công ty này là đơn vị hạch toán độc lập và do kiểu thi công qua cấp trung gian nên tiến độ thi công chậm. Hiện nay mức xử phạt nhà thầu quá nhẹ. Thạc sĩ Nguyễn Như Tha cho rằng cần tăng nặng mức xử phạt về tiền và cấm các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát vi phạm hợp đồng tham gia đấu thầu công trình có vốn nhà nước trong nhiều năm. |
Với quá nhiều nghị định như trên, ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, TP.HCM - cho biết những người làm dự án chưa kịp “thuộc” nghị định này thì phải tìm hiểu nghị định mới. Mỗi lần có nghị định mới phải mất vài tháng chờ thông tư, văn bản của các bộ, sở, ngành để lập dự án. Đó là chưa kể cần có các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của UBND TP và các sở, ngành liên quan nên tiến độ triển khai dự án bị kéo dài.
Thạc sĩ Nguyễn Như Tha - giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông công chánh TP.HCM - cũng cho rằng dù nghị định được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng vẫn rườm rà, không hợp lý nên không làm tiến độ thực hiện công trình nhanh hơn.
Chẳng hạn quy định đơn vị tư vấn lập dự án nhưng không được lập thiết kế kỹ thuật. Điều này dẫn đến đơn vị lập thiết kế lại mất thời gian tìm hiểu công trình, trong khi đơn vị tư vấn lập dự án đã hiểu ngọn ngành công trình nếu làm luôn khâu thiết kế chắc chắn sẽ nhanh hơn.
Từ những phân tích trên, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần tính đến sự hợp lý và thời gian tồn tại lâu dài của một nghị định.
Tháo “điểm gút” giải phóng mặt bằng
Theo nhiều ban quản lý dự án, tiến độ các công trình còn lệ thuộc công tác giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Thành Nam - tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 - cho rằng đây là “điểm gút” của dự án vì tiến độ thi công nhanh hay chậm tùy thuộc giải phóng mặt bằng nhanh hay chậm.
Theo các chủ đầu tư dự án, nhiều công trình chưa giải tỏa hoặc chỉ mới giải tỏa vài chục phần trăm mặt bằng, cơ quan thẩm quyền hoặc chính quyền địa phương đã yêu cầu ban quản lý dự án triển khai thi công ngay để người dân sớm giải tỏa. Nhưng khi giải tỏa chậm, tiến độ công trình chậm thì không ai chịu trách nhiệm. Nhiều ý kiến đề nghị cần giải tỏa xong ít nhất 80% mặt bằng mới khởi công thì mới có khả năng công trình đạt đúng tiến độ.
Ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - nói: năm 2005 Thủ tướng ra văn bản giao cho các địa phương chịu trách nhiệm giải tỏa mặt bằng các công trình xây dựng hạ tầng, nhưng thực tế nhiều địa phương làm không hết trách nhiệm. Thậm chí có công trình giải tỏa xong đến 95%, nhưng 5% còn lại địa phương lại dây dưa và không ai bị xử lý về chậm tiến độ giải tỏa mặt bằng. Ông Dương Tuấn Minh để nghị Thủ tướng cần ban hành văn bản ràng buộc trách nhiệm cao hơn để chấn chỉnh tình trạng này.
Theo các ban quản lý dự án, hiện nay nhiều địa phương viện dẫn lý do không còn đất tái định cư nên việc thực hiện đền bù giải tỏa chậm, trong khi có công trình vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng chỉ vướng vài hộ mà phải thi công ì ạch.
Hai hình thức đấu thầu
Theo ông Lê Quyết Thắng, nên áp dụng đấu thầu công trình theo hình thức EPC (tổng thầu đảm nhận từ thiết kế đến thi công nhưng vẫn trình duyệt hồ sơ). Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thành Thái - tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ - nói nhà thầu đầu tư theo hình thức EPC sẽ chủ động trong khâu thiết kế, thi công và sau khi hoàn thành công trình các cơ quan chức năng chỉ cần hậu kiểm. Cụ thể ở dự án cầu Phú Mỹ công trình hoàn thành thi công sớm ba tháng, vì để bảo đảm lãi đơn vị thi công đã tăng tiến độ bằng cách huy động nhân lực, vật lực...
Ông Thắng cho rằng cũng cần xem xét thực hiện hình thức đấu thầu “chìa khóa trao tay” (vừa thiết kế vừa thi công nhưng không trình duyệt và bàn giao sau khi hoàn thành) thì tiến độ thi công sẽ còn nhanh hơn nữa. Với hai hình thức trên, các cơ quan hữu quan sẽ loại bỏ được nhiều thủ tục rườm rà. Việc còn lại là tập trung xử phạt nếu nhà thầu không bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Làm dự án trước
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển các công trình giao thông đến những năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các cơ quan chức năng cần đi trước một bước trong việc lập dự án để khi có vốn thì triển khai ngay.
Tương tự, ông Lê Quyết Thắng cho rằng khi đã quy hoạch lộ giới rồi thì cần thực hiện ngay giải phóng mặt bằng ở những khu vực chuẩn bị đầu tư dự án. Vì nếu chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt dự án rồi mới giải tỏa mặt bằng, tiến độ thực hiện sẽ rất chậm và vốn đầu tư sẽ tăng cao.
“Hiện nay khi nghiên cứu lập một dự án, Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện cơ chế lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành góp ý cho dự án. Dù vậy, khi công trình xảy ra sự cố thì chỉ có Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm” - ông Dương Tuấn Minh nói. Cơ chế đó còn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chậm vì mất nhiều thời gian họp bàn. Vì vậy, không nhất thiết tất cả công trình cầu đường cần phải lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan thẩm quyền cần giao trực tiếp cho cơ quan và thực hiện dự án chịu trách nhiệm.
>>Kỳ 1: Xây cầu 3 năm, làm thủ tục 10 năm!
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO