Thị trường nhà đất đóng băng, tâm lý lo sợ thiếu vốn triển khai dự án và giảm giá bán buộc các doanh nghiệp phải tự thân vận động bằng cách giảm giá mạnh hay khuyến mãi “khủng”, thậm chí mở bán lại dự án với tên gọi mới vẫn không đủ sức để kéo lại thị trường đang tụt dốc.
“Thay đổi tên họ dự án” vẫn được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong bối cảnh khó khăn. Ảnh: Song Yến |
Đổi bình nhưng chưa đổi rượu
Vào năm 2012, thị trường BĐS khó khăn, việc các dự án được tung ra thị trường trong thời gian khá lâu nhưng vẫn không bán được hàng cũng xem như “chuyện thường ngày ở huyện”. Để tồn tại, các doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác với nhau và “phù phép” thay đổi tên gọi mới cho dự án.
Nổi bật nhất trong số những vụ hợp tác đầu tư theo kiểu tiếp sức có lẽ là trường hợp của Công ty Địa ốc Hoàng Quân khi công ty này liên tục chào bán các dự án căn hộ mang thương hiệu Cheery. Trong đó là việc “phù phép” Võ Đình Apartment (Q.12) thành Cheery 2 khi chủ đầu tư là Công ty Tư vấn và Kinh doanh nhà Đạt Gia đã “đắp chiếu” từ tháng 11/2008.
Sau Cheery 2, Hoàng Quân tiếp tục hợp tác với Công ty Thương mại Hóc Môn để khởi động lại dự án Trung tâm Thương mại - Căn hộ Hóc Môn (huyện Hóc Môn) và đổi tên thành Cheery 3. Tiền thân của Cheery 4 Apartment là Babylon Residence (Q.Thủ Đức) được xây dựng vào tháng 6/2009 và từng chào bán trên thị trường.
Hay dự án Kim Tâm Hải cũng được “thay tên đổi họ” thành dự án 27 Trường Chinh khi Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải - chủ đầu tư hợp tác cùng Công ty BĐS Hưng Thịnh.
Một đơn vị khác khá thành công trong kế sách này là Công ty Cổ phần Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc với việc “phù phép” đổi tên dự án CT2A Tân Tây Đô thành Phúc Thịnh Tower. Giá bán dự án cũng ngay lập tức được điều chỉnh chỉnh xuống còn 13,5-14,5 triệu đồng/m2. Nhờ vậy, trong ngày mở bán 9/12/2012 đã thu hút gần 400 người đến tham dự.
Chiếc áo không làm nên thầy tu
Trước bối cảnh thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, chiêu “bình mới, rượu cũ” ít nhiều cũng tạo được sự thu hút của người mua. Tuy nhiên, dự án có bán được hay không thì còn tùy ở giá bán và vị trí, tiến độ dự án cũng như cách thức bán hàng của chủ đầu tư.
Sau gần hai năm vắng bóng trên thị trường, vào khoảng trung tuần tháng 6/2013, Khu đô thị Suối Son một lần nữa xuất hiện với một cái tên hoàn toàn mới là The Viva City.
Dự án này do CTCP Asia Holdings và CTCP Asia Land tiếp thị và độc quyền phân phối. Với mức giá được điều chỉnh giảm còn 2,3 triệu đồng/m2, The Viva City hấp dẫn khách hàng bởi tên gọi hoàn toàn mới, giá rẻ hơn, các công trình giao thông trọng điểm cũng đã và đang được khởi công xây dựng.
Thế nhưng, thời điểm dự án này được chào bán trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, thị trường nhà đất chạm đáy, các giao dịch trên thị trường gần nhưng chậm lại.
Giống như The Viva City, dự án Ngọc Bích Residence cũng được Công ty Địa ốc Kim Oanh khoác lên mình chiếc áo hoàn toàn mới. Song, “chiếc áo” ấy vẫn không đủ sức thu hút khách hàng rót tiền trong thời điểm này.
Anh Tuấn Ngọc (Q.9) một khách hàng tham quan Green Life City chia sẻ, “tôi không quan tâm dự án trước đây tên gì, điều tôi cần đến là vị trí tốt, giá rẻ, khả năng sinh lợi cao, hình thức hỗ trợ của doanh nghiệp....
Thế nhưng, một số dự án mà tôi đến tham quan trực tiếp vẫn không có gì khác biệt nhiều so với trước đây. Các công trình giao thông tuy đã đi vào khởi công xây dựng nhưng chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành. Nếu đầu tư vào đây thời điểm này chỉ là cách chôn vốn”.
Phát kiến khuyến mãi “khủng” là một trong những "chiêu" kích thích người mua hiện nay. Ảnh: Song Yến |
Theo giới quan sát cho rằng, do thị trường BĐS khó khăn khiến nhiều dự án được thiết kế thuộc diện cao cấp phải cơ cấu lại, chuyển đổi mục đích sử dụng xuống phân khúc bình dân. Do đó, khách hàng mục tiêu cũng thay đổi nên phải đổi tên để định vị cho người mua.
Sự đổi tên này cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong hoạt động truyền thông, quảng cáo cho dự án. Tuy nhiên, các yếu tố giá cả, vị trí, chất lượng, tiến độ, năng lực, trình độ nhà đầu tư… mới quyết định sự thành công cuối cùng của dự án. Còn cái tên chỉ giúp khách chú ý hơn đến dự án trong bối cảnh thị trường trầm lắng và thừa nguồn cung như hiện nay.
Khi thị trường BĐS quá ế ẩm cũng là lúc các nhà đầu tư tha hồ phát kiến ra các phương thức tiếp thị, kích cầu độc đáo, thoải mái không đụng hàng. Tuy có nỗ lực, song theo quan sát, kết quả mang lại chưa thể gọi là khả quan khi thị trường vẫn trong tình trạng vạn người bán, trăm người hỏi, nhưng rất ít người mua.
Bởi trên thực tế, đa phần các dự án được thay tên đổi họ cũng chỉ là hình thức bên ngoài, giá bán cũng được điều chỉnh giảm nhưng chưa đáng kể, tiềm năng sinh lợi quá lâu khiến khách hàng không mạnh tay xuống tiền. Âu cũng là bài kinh nghiệm “xương máu” cho các đơn vị muốn “đi nhanh”, bởi chiếc áo đâu đã làm nên thầy tu.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn đàn đầu tư