Nhu cầu đăng ký mới, bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng nhưng việc đăng ký đang bị ách lại...
Nhu cầu đăng ký mới, bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng nhưng việc đăng ký đang bị ách lại. Lý do là Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1-1-2007 vẫn chưa có hướng dẫn.
Từ khi thị trường địa ốc ấm trở lại giữa năm 2006 đến nay, có khá nhiều "lính mới" tham gia ngành này.
Thêm DN tham gia thị trường
Giải thích về sự chuyển hướng này, tổng giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc cho biết đây là ngành đang "ăn nên làm ra". Hiện các sản phẩm địa ốc khá hút hàng, hai cơn sốt giá vừa qua khiến giá đất nhiều nơi tăng cao, có nơi lên đến 50-100%. Dịch vụ cho thuê cao ốc văn phòng cũng đang hút khách…
Thống kê của Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cho thấy: nếu như trong năm 2006 bình quân mỗi tháng có 239 DN đăng ký kinh doanh liên quan đến bất động sản thì những tháng đầu năm 2007 con số này bình quân là 263 DN/tháng.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư TP, trong số các ngành nghề đăng ký kinh doanh mới hoặc bổ sung thì kinh doanh bất động sản chiếm số lượng lớn. Nhưng không ít ý kiến lo ngại trong số "lính mới" có những đơn vị không có tiềm lực sẽ không tránh khỏi việc kinh doanh không lành mạnh, làm thị trường bất động sản thêm… rối.
Ở góc độ khác, cũng có chuyên gia cho rằng nhiều DN tham gia, thị trường có sự cạnh tranh, điều chỉnh theo hướng tốt hơn. Cạnh tranh cũng dẫn đến đào thải và các DN kinh doanh chụp giật sẽ không tồn tại lâu dài.
Chờ hướng dẫn
Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-1-2007 qui định: tổ chức, cá nhân làm dịch vụ môi giới phải có chứng chỉ môi giới. Luật cũng yêu cầu các DN kinh doanh ngành này phải có vốn pháp định. Nhưng vốn pháp định bao nhiêu, chứng chỉ môi giới do cơ quan nào cấp… thì đến nay còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Trả lời Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị sở xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này cho DN.
Tuy nhiên cần ghi rõ yêu cầu DN và phải đáp ứng điều kiện theo qui định của pháp luật. Đồng thời tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề này cần có cam kết bằng văn bản về việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh theo qui định của pháp luật. Một cán bộ Sở Kế hoạch - đầu tư nói với hướng dẫn như vậy rất khó thực hiện. Một DN bức xúc: cơ hội kinh doanh có khi là "ngàn vàng", việc chờ đợi hướng dẫn quá lâu làm mất cơ hội kinh doanh của DN.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, để kịp thời giải quyết vướng mắc cho các DN, sở sẽ kiến nghị Chính phủ cho ý kiến về vấn đề này. Song song đó, sở cũng xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể đối với DN được cấp phép xây dựng hoặc đã có dự án triển khai. Riêng các trường hợp còn lại tạm thời chưa giải quyết, phải chờ hướng dẫn.
Bộ cũng chờ!
Ông Chu Văn Chung - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng - cho biết dự thảo nghị định hướng dẫn đã hoàn tất và trình Chính phủ từ tháng 11-2006. Dự thảo này qui định vốn pháp định đối với DN đăng ký mới là 6 tỉ đồng, còn hợp tác xã là 4 tỉ đồng. Riêng về chứng chỉ hành nghề theo dự thảo đến đầu năm 2009 mới áp dụng.