Kiến trúc sư trưởng thành phố: Ông là ai?

Cập nhật 21/10/2008 16:08

Hiện nay Bộ Xây dựng vẫn đang nghiên cứu, hoàn thiện đề án Kiến trúc sư trưởng thành phố (KTST TP) và dự Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT), dự kiến trình Quốc hội lần thứ nhất...

Hiện nay Bộ Xây dựng vẫn đang nghiên cứu, hoàn thiện đề án Kiến trúc sư trưởng thành phố (KTST TP) và dự Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT), dự kiến trình Quốc hội lần thứ nhất vào thứ tư này (22/10) cũng đề cập về thiết chế KTST TP với những phân vân nhất định. Trong khi mô hình KTST mới chưa định hình rõ nét, người ta lại nhắc nhiều đến mô hình KTST TP từng được thí điểm ở Hà Nội, TP.HCM và đã thất bại.

Mô hình thí điểm: Vì sao thất bại?


KTST - siêu quyền lực…

Đầu những năm 1990, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế - xã hội, các đô thị mới có điều kiện phát triển mạnh. Những nguyên tắc xây dựng đô thị truyền thống bị đảo lộn, trật tự kiến trúc bị phá vỡ. Việc quản lý xây dựng đô thị trở nên khó khăn, phức tạp. Để khắc phục thực trạng trên, đồng thời học tập kinh nghiệm một số nước trên thế giới, năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ đã quyết định áp dụng thí điểm mô hình KTST TP ở Hà Nội và TP.HCM.

Theo mô hình thí điểm, KTST có chức năng giúp UBND TP quản lý xây dựng theo quy hoạch (QH), chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND TP và chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Nhiệm vụ của KTST là lập kế hoạch và tổ chức nghiên cứu thiết kế các đồ án QH chi tiết, đồ án xây dựng trong từng thời kỳ; đề ra yêu cầu không gian, giải pháp kiến trúc các đường phố, các trung tâm và từng công trình, quần thể kiến trúc xây dựng tại TP. KTST tổ chức xét duyệt các đồ án thiết kế QH chi tiết, đồ án xây dựng một số công trình quan trọng, công viên cây xanh, vườn hoa…, tham gia xét duyệt trùng tu các di tích kiến trúc, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh… KTST cũng là đầu mối quản lý việc sử dụng đất xây dựng theo QH được duyệt và quy định trong điều lệ quản lý xây dựng.

Về quyền hạn, KTST là đầu mối quản lý việc sử dụng đất xây dựng theo QH được duyệt, tiếp nhận hồ sơ xin sử dụng đất, trình chủ tịch UBND TP quyết định hoặc để chủ tịch UBND TP trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định, cấp phép sử dụng đất xây dựng. KTST được quyền thỏa thuận địa điểm xây dựng, cấp phép xây dựng và giấy phép phá dỡ tất cả các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình ngầm tại địa bàn TP.

KTST có bộ máy giúp việc là Văn phòng KTST với biên chế khoảng 40 - 50 người.

Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, theo giới phân tích, KTST vừa đá bóng vừa thổi còi, siêu quyền lực.

Bị công chức hóa


Không thể phủ nhận, với sự ra đời của KTST TP, công tác quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị ở hai Thành phố: Hà Nội và TP.HCM bước đầu đi vào nền nếp. Thông qua công việc của bộ máy KTST, vai trò quan trọng của QHĐT được xác lập, đồng thời tạo lập ý thức trong mỗi người dân đô thị. Thành phố đã xuất hiện một số khu phố mới khang trang với những công trình kiến trúc có khối hình, bố cục, đường nét của kiến trúc hiện đại, thể hiện sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình KTST thí điểm đã bộc lộ một số bất cập. Với bộ máy và biên chế nói trên, KTST như là một cơ quan hành chính công có nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên một bình diện quản lý rộng. Chức năng tham mưu về chuyên môn sâu chỉ còn ở chừng mực nhất định, không còn là nhiệm vụ chính. Cá nhân KTST đã bị công chức hóa. Cụ thể, KTST làm việc như một công chức, thông qua công việc như cấp phép xây dựng, thỏa thuận địa điểm xây dựng, thỏa thuận KTQH… không còn nhiều thời gian để thực hiện nhiệm vụ chính là tham mưu.

Hơn thế, KTST là người thực hiện đồ án quy hoạch nhưng lại có chức năng điều chỉnh quy hoạch làm phát sinh nhiều vấn đề. KTST được bổ nhiệm bằng quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tuy đề cao vai trò nhưng lại chưa tương thích với cơ cấu tổ chức cán bộ trong hệ thống hành chính của UBND TP vào thời điểm đó. Vì vậy đôi lúc đã xuất hiện sự thiếu đồng thuận trong giải quyết công việc giữa KTST và một số cơ quan trong chính quyền TP…

Sau 10 năm thí điểm áp dụng, mô hình KTST đã kết thúc hoạt động tại Hà Nội (năm 2002), TP.HCM (năm 2003). Một số chức năng của văn phòng KTST chuyển cho Sở QHKT (thành lập mới) và Sở Xây dựng. Từ đó đến nay, công tác quản lý QHKT của 2 Thành phố do Sở QHKT đảm nhận.

Ký họa chân dung mới

Cùng với thành quả của công cuộc đổi mới, công tác quản lý QHKT tại các đô thị đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Bộ mặt đô thị đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên về tổng thể, đô thị còn lộn xộn, không có tổ chức với các loại hình kiến trúc pha tạp, tùy tiện, manh mún. Đô thị mới chỉ là sự chắp nối của nhiều dự án, tạo nên không gian không có sự kết nối hài hòa, thống nhất.

Trước thực trạng trên, dư luận đòi hỏi cùng với việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, có quy chế quản lý thống nhất về QHKT đô thị, cần có cá nhân chuyên trách đủ năng lực chuyên môn, có khả năng điều phối, khớp nối để đạt được sự thống nhất về không gian trên toàn bộ đô thị, làm nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho UBND TP trong công tác chỉ đạo xây dựng, quản lý QHKT và phát triển đô thị. Đó là KTST TP.

Theo Bộ Xây dựng, đơn vị chủ trì nghiên cứu soạn thảo Luật QHĐT trong đó có đề cập nội dung thiết chế KTST TP đồng thời là đơn vị chủ trì soạn thảo đề án KTST TP thì vì sự phát triển hài hòa, có trật tự của KTĐT, vai trò của KTST TP là cần thiết. Bởi theo Bộ Xây dựng, hiện tại đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng lớn về tài chính trong ngân sách nhà nước và địa phương. Sự phân cấp giữa trung ương và địa phương theo hướng tăng quyền hạn cùng trách nhiệm cho chính quyền địa phương, trong khi đó người đứng đầu chính quyền mỗi đô thị lại có rất nhiều công việc ở các lĩnh vực phải giải quyết. Mặt khác, không phải ai cũng có thông tin, kiến thức đầy đủ về QHKT.

Cũng theo Bộ Xây dựng, các sở QHKT và Sở Xây dựng có chức năng, nhiệm vụ chính nặng về quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác QHKTĐT chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm thực tế. Trong tình hình trật tự xây dựng ở các đô thị diễn biến phức tạp thì khả năng tư vấn, tham mưu thường nhật của các đơn vị về chuyên môn bị hạn chế, không kịp thời.

Hơn nữa, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, tốc độ và quy mô phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay ngày càng cao với nhiều chủ thể tham gia. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, làn sóng đầu tư mạnh từ nước ngoài, để giữ cho đô thị phát triển hài hòa, có bản sắc thì công tác QHKT là nhiệm vụ quan trọng, cần có người chuyên trách đủ năng lực để giúp chính quyền đô thị thực hiện nhiệm vụ này.

Với những nhận định nêu trên, trong dự thảo luật QHĐT, Bộ Xây dựng đề xuất: KTST là chức danh được áp dụng tại các thành phố trực thuộc trung ương và thành phố có tính chất đặc thù, có ý nghĩa quốc gia về văn hóa, lịch sử, nhằm bảo đảm sự thống nhất về không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quá trình phát triển, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, bản sắc của đô thị. KTST có nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho chủ tịch UBND TP trong việc lập, phê duyệt QHĐT, xây dựng định hướng kiến trúc, quy chế quản lý KTQH và các nhiệm vụ khác có liên quan đến QHKTĐT thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND TP. Chính phủ sẽ quy định việc bổ nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của KTST TP.

>Dự án Luật Quy hoạch đô thị: Cóp nhặt, chưa đủ tầm


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng