Kiến trúc nào cho các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây?

Cập nhật 04/08/2009 10:30

Đại lộ Đông-Tây là trục đường dài hơn 20km kéo dài từ phía Đông sang phía Tây của thành phố, với điểm bắt đầu tại quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, đi qua các quận 8, 6, 5, 1 và kết thúc tại Cát Lái của quận 2...

Thi công đại lộ Đông - Tây tại quận 5 sáng 3-8. Ảnh: Đức Trí.

Đại lộ Đông-Tây là trục đường dài hơn 20km kéo dài từ phía Đông sang phía Tây của thành phố, với điểm bắt đầu tại quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, đi qua các quận 8, 6, 5, 1 và kết thúc tại Cát Lái của quận 2. Do có một vị trí quan trọng như vậy nên hơn một tháng trước, trong chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công đại lộ Đông-Tây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, sớm nghiên cứu và ban hành quy định về quản lý kiến trúc các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây.

Nơi lưu gửi... “hồn” Sài Gòn xưa

Chủ trương nêu trên của thành phố đang trở thành đề tài tranh luận lý thú cho nhiều kiến trúc sư. Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải-nguyên cán bộ lãnh đạo của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TPHCM trước đây, cho rằng đây là một chủ trương cần thiết, bởi đại lộ Đông-Tây là một trục đường lớn chạy qua hầu hết các quận, huyện trung tâm của thành phố, đặc biệt lại nối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nên các ô phố ở đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng về kiến trúc cho thành phố.

Theo kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, nơi đây không gian thoáng đãng với đại lộ Đông-Tây rộng 10 làn xe chạy dọc kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, và bên kia kênh lại có một con đường khác nữa nên sẽ là điều kiện lý tưởng cho việc xây dựng những công trình kiến trúc tuyệt vời.

Một cán bộ lãnh đạo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang trực tiếp tham gia nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý kiến trúc các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây cũng đánh giá cao vị thế lý tưởng của không gian kiến trúc này khi cho rằng “Thành phố có thể xây nhiều cầu đi bộ qua kênh, vừa tạo điều kiện giao thông giữa 2 bờ kênh, vừa làm công trình kiến trúc tô điểm cho khu vực”.

Bởi kênh Tàu Hủ-Bến Nghé chỉ rộng tối đa khoảng 100m, nơi hẹp nhất 40m nên không gian nơi đây rộng nhưng sẽ không trống trải. Đại lộ Đông-Tây chạy dọc theo kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, nơi in đậm hình ảnh “trên bến dưới thuyền” của một Sài Gòn xưa, nên ý tưởng tái hiện lại một phần hình ảnh này cũng đang được rất nhiều kiến trúc sư đề xuất. Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải đề nghị toàn bộ khu vực đại lộ Đông-Tây gần với đường Trần Văn Kiểu nên phục hồi lại các khu nhà cổ và tái hiện lại cảnh “trên bến, dưới thuyền” phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố, có thể là những bến tàu đón khách đi ngắm cảnh thành phố hoặc những bến taxi thủy chia tải cho đường bộ…

Khu vực quận 1, đoạn từ Bến Chương Dương đến cầu Nguyễn Văn Cừ, có thể cho xây dựng nhà cao tầng nhưng không nên cao quá để có sự hài hòa với kênh và không có sự “tranh chấp” với các kiến trúc ở trung tâm quận 1. Dọc đại lộ Đông-Tây cũng nên có những công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, thưởng lãm nghệ thuật của người dân như nhà hát, rạp chiếu phim… Riêng công viên cây xanh nên được phát triển xen giữa các khối kiến trúc, vừa tạo vẻ đẹp cho các khối kiến trúc này vừa tiết kiệm được đất. Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải cho rằng thành phố nên lưu ý đến kiến trúc “lai” Á-Âu vốn có của khu vực quận 5, quận 6 để có các công trình kiến trúc phù hợp cho toàn khu vực.

Cần một tổng chỉ huy cho các công trình kiến trúc


Theo một cán bộ của tổ công tác này cần có một tổng chỉ huy cho các công trình ở đây giúp cho kiến trúc toàn khu vực không bị lẻ mẻ. Để thống nhất như vậy có nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh cục bộ lại quy hoạch các khu dân cư xung quanh trục đường cho phù hợp với yêu cầu mới.

Đặc biệt là những khu vực nằm trong diện tích đất tính từ ranh đại lộ Đông-Tây vào khoảng 100m-150m, dự kiến sẽ là đối tượng điều chỉnh của quy chế quản lý kiến trúc các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây. Các nhà đầu tư có khả năng đảm nhận những dự án lớn, chiếm diện tích ít nhất 5.000m2 trở lên cũng sẽ được ưu tiên, để các công trình xây dựng không bị xé vụn ra.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đang nghiên cứu đến khả năng hạn chế chức năng ở trong các khu phố này và ưu tiên phát triển mạnh các chức năng thương mại, đặc biệt là du lịch, vì theo sở, dọc hai bờ kênh Tàu Hủ-Bến Nghé hoàn toàn có thể tổ chức các dịch vụ du lịch, phục vụ du khách.

“Nơi đây có thể tổ chức các bến thuyền du lịch, các quán cà phê ven kênh hoặc tạo ra các “bãi cát” dọc kênh cho du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn” - một cán bộ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc nói.

Tuy nhiên, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng cho rằng, muốn làm được tất cả những ý tưởng này thì ngay từ bây giờ các sở, ngành liên quan như giao thông, điện lực, cấp, thoát nước, phải kết nối được với việc xây dựng đại lộ Đông-Tây trong việc xây dựng các công trình này (nằm trong khu vực đại lộ). Nhất định phải hạn chế đến mức tối đa tình trạng đường vừa làm xong thì lại phải đào lên để lắp đặt công trình ngầm, làm cho toàn bộ khu vực lại bị băm nát ra.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng