Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang (ảnh) đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP nhiều vấn đề xung quanh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang (ảnh) đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP nhiều vấn đề xung quanh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015.
* Thưa Bộ trưởng, ông có tin việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa là khả thi, trong khi các địa phương đều đề xuất chuyển đổi đất lúa nhiều hơn “hạn mức” và quyền cấp đất, giao đất đã được phân cấp cho địa phương?
Bộ trưởng NGUYỄN MINH QUANG: Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Trên thực tế, diện tích lúa 2 vụ trở lên không có nhiều, chỉ khoảng trên có 3,22 triệu ha (đến năm 2020), còn lại là đất lúa một vụ, đất lúa nương năng suất thấp. Các địa phương nên có nhận thức đầy đủ về đất lúa - đó là di sản được bồi đắp từ ngàn đời. Thái Lan có tới 10,5 triệu ha đất lúa. Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai, nhiều quy định sẽ được chỉnh lý, bổ sung để khi luật được ban hành, trung ương có thể theo dõi, kiểm soát tốt hơn việc giao đất, cấp đất của các địa phương.
* Chính phủ có đề xuất với Quốc hội những giải pháp tài chính nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu giữ đất lúa?
Vừa qua, Chính phủ cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này. Hàng ngàn tỷ đồng đã được dành để hỗ trợ người trồng lúa dưới nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo họ có được mức lãi thỏa đáng. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thông qua, các bộ ngành sẽ ngồi lại và tính toán cụ thể hình thức hỗ trợ. Chẳng hạn, các tỉnh chuyên lúa phải có hệ số phân bổ ngân sách khác với địa phương khác. Ngân sách nhà nước cũng sẽ đầu tư phát triển vật tư, giống, kho bảo quản lúa gạo, xúc tiến công nghệ chế biến...
* Với các tỉnh trồng lúa, Bộ trưởng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về việc phải giữ gìn đất lúa. Còn với các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội thì thông điệp của Bộ trưởng là gì?
Một yêu cầu quan trọng hàng đầu là đảm bảo quỹ đất cho giao thông và đất công cộng.
* Nguồn thu từ đất đai rất lớn, trong khi hiện nay có nhiều công sở ở vị trí rất đẹp. Chủ trương di dời công sở ra những vị trí xa hơn, dành quỹ đất nội đô cho mục đích kinh doanh, tạo ra của cải cho xã hội đã được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Việc này đã và đang được thực hiện ở một số đô thị lớn. Theo tôi biết, một số bộ ngành và cơ quan của TP Hà Nội, TPHCM đã di chuyển ra ngoài, dành cơ sở ở nội đô để sử dụng cho mục đích kinh tế. Tôi luôn cho rằng đất đai là nguồn tài nguyên hết sức quan trọng của quốc gia.
* Tình trạng thủy điện xả lũ gây không ít khó khăn cho người dân ở khu vực hạ du. theo Bộ trưởng, cần phải kiểm soát nguồn tài nguyên nước như thế nào cho hợp lý?
Đúng là hệ thống thủy điện hiện còn nhiều bất cập, vì thế cần phải tính toán giải pháp phù hợp, đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước đối với các loại hồ chứa (thủy điện, thủy lợi). Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận cũng đã làm rõ thêm về vấn đề này. Nhưng cũng phải thấy rằng việc quản lý xả nước hồ chứa là rất khó khăn, vì phải thỏa mãn nhiều mục đích: vừa phải tích nước để sản xuất điện, khi cần vẫn phải xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình. Hiện quy trình xả lũ ở nhiều hồ chứa đã có, vấn đề là làm đúng và kiểm soát chặt tình hình.
Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, Bộ TN-MT sẽ tiếp thu, xem xét, nghiên cứu để có đề nghị chỉnh sửa những bất hợp lý. Cá nhân tôi cho rằng, vừa qua chúng ta quá ưu tiên cho thủy điện nên đã mở ra mà chưa tính toán hết các hệ lụy có thể xảy ra. Còn nếu xác định đúng là lý do chủ quan làm tình hình lũ lụt nghiêm trọng thêm, gây thiệt hại cho người dân thì đã có những quy định về đền bù. Đây là việc cần thiết để ngăn chặn những thiệt hại do nhân tai.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP