Kiến nghị Quốc hội chưa thẩm định đồ án quy hoạch Hà Nội

Cập nhật 29/03/2010 11:50

Theo ông Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng VN, đồ án Quy hoạch chung Hà Nội chưa được đánh giá tác động môi trường, do đó Quốc hội và Chính phủ chưa nên thẩm định trong tháng tới.

Theo ông Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng VN, đồ án Quy hoạch chung Hà Nội chưa được đánh giá tác động môi trường, do đó Quốc hội và Chính phủ chưa nên thẩm định trong tháng tới.

Hội Môi trường xây dựng VN vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia đóng góp vào Đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo ông Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng VN, trung tâm hành chính đặt tại Hòa Lạc sẽ chuyển dịch trọng tâm thủ đô lên phía tây, có thể làm sai lệch thủ đô Hà Nội là trung tâm của "hai hành lang, một vành đai kinh tế" quốc gia và quốc tế, ngược với định hướng phát triền kinh tế của thời đại.


Hà Nội sẽ xây dựng nhiều đô thị vệ tinh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

"Khi trung tâm hành chính quốc gia thay đổi kéo theo các công trình hiện nay được xây dựng chỉ mang tính tạm thời, gây bất ổn và lãng phí. Hòa Lạc thì khó đảm bảo giữ được hàng trăm ha đất cho tương lai, hệ thống giao thông, thị trường bất động sản sẽ bị xáo trộn", ông Phạm Ngọc Đăng phát biểu.

Quy hoạch thành phố ven sông Hồng cũng được các chuyên gia đánh giá là mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo một số ý kiến, dòng chảy sông Hồng không ổn định, mang theo một lượng phù sa rất lớn và tốc độ dòng chảy lớn, luôn luôn biển đổi tình trạng xói lở, bồi lắng... kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chống sói lở và chỉnh trị sông Hồng sẽ là vô cùng tốn kém, với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay thì chưa thể làm được. Ngoài ra, việc xây dựng thành phố hai bờ sông Hồng sẽ làm tăng số lượng dân cư của nội thành Hà Nội, trái với định hướng giảm dần dân số nội thành.

Các chuyên gia kiến nghị nên giữ theo phương án quy hoạch Hà Nội trước đây là quy hoạch dải đất ven sông Hồng thành thảm cỏ xanh, xây dựng các công viên vui chơi giải trí, công trình du lịch nhỏ, nâng cấp giao thông đường thủy.

Ngoài ra, các ý kiến khác cũng băn khoăn tính kinh tế của đồ án, bởi kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030 là khoảng 60 tỷ USD. Nguồn vốn này khó khả thi nếu chỉ phụ thuộc vốn vay ODA, FDI, trái phiếu Chính phủ. "Nước ta sẽ thành con nợ quốc tế, chúng ta đi vay tiền để phát triển hạ tầng song con cháu chúng ta sẽ phải trả nợ, đó là phát triển không bền vững", ông Phạm Ngọc Đăng phát biểu.

Theo ông Đỗ Đức Viên, Hiệu phó ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, quy hoạch chung hiện được tư vấn nước ngoài xây dựng thiên về định hướng, thiếu tính cụ thể nên khó thực hiện. Ngoài ra, chưa xác định nội dung đồ án quy hoạch Hà Nội là quy hoạch vùng hay quy hoạch đô thị. Theo ông Viên, cần xây dựng quy hoạch vùng, sau đó xác định các điểm dân cư đô thị rồi mới xây dựng quy hoạch thủ đô.

Hội Môi trường xây dựng VN kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ chưa thẩm định đồ án Quy hoạch chung Hà Nội trong tháng tới và yêu cầu Liên doanh tư vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, được thẩm định trước khi Chính phủ phê duyệt.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress