Kích cầu… vượt khó

Cập nhật 04/05/2009 08:15

Nhiều khu phố tại TPHCM đã đẹp lên; những gia đình khốn khó có vốn làm ăn, qua dần cảnh nghèo! “Phép màu” này là kết quả của chương trình Nâng cấp đô thị do Chính phủ Việt Nam ký kết...

Nhiều khu phố tại TPHCM đã đẹp lên; những gia đình khốn khó có vốn làm ăn, qua dần cảnh nghèo! “Phép màu” này là kết quả của chương trình Nâng cấp đô thị do Chính phủ Việt Nam ký kết với Ngân hàng Thế giới.

Vốn nhỏ... đổi đời


Nằm gần ngã tư đường Tôn Thất Hiệp - Lãnh Binh Thăng (quận 11), tuy là mặt tiền đường Tôn Thất Hiệp nhưng bị che khuất bởi khúc cua nên phải để ý kỹ mới nhận ra được quán bán nghêu sò ốc hến của gia đình chị Lưu Hà (địa chỉ 196A Tôn Thất Hiệp phường 12 quận 11). Gọi là quán thì lớn quá, bởi vì gia sản là vài túm đồ hải sản và chỉ kê “tạm bợ” có 2 cái bàn ăn, nằm trên vỉa hè chật chội, lại chen lẫn với những gánh hàng của người khác.

Vài năm trước, sau khi bị bể chuyện ghi đề, chị Hà “hoàn lương”, nối tiếp là quãng dài khó khăn. Nhà nghèo, không nghề, không vốn, đi mượn không ai cho vì e ngại “thành tích” trước đó, nên làm gì cũng không được. Chị như sắp chết đuối lại vớ được phao khi nghe nói trên phường có cho vay vốn làm ăn từ chương trình Nâng cấp đô thị của TP. Cơ quan chức năng thẩm định chị được vay 2 triệu đồng, từ đó quán ốc ra đời. Nguồn lời của quán cóc đủ nuôi gia đình, trả tiền gốc, tiền lãi và tiền tiết kiệm, ngoài ra chị còn dành dụm được chút ít để trả nợ trước kia.

Tính đến nay chị đã vay được 6 vòng vốn, trở thành tấm gương điển hình vượt khó của phường! Chị Trần Diệp Thúy Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ phường 12 cho biết: “Dự án Nâng cấp đô thị đã giúp trên 450 hộ dân của phường có vốn làm ăn. Nhờ đó bà con bớt khổ, khỏi phải đi vay nặng lãi bên ngoài”.

Cũng tại quận 11, nguồn vốn này đã lan tỏa đến nhiều nơi, trong đó có khu lao động phường 14. Hiện nay, số hộ dân vay vốn lên đến khoảng 1.000 hộ, cao nhất của quận và đời sống của họ đã dần đổi thay.

Chưa tới tuổi 30 nhưng trông chị Trương Đoàn Phương có vẻ “già” hơn so với những người cùng trang lứa. Có chồng nhưng nhà nghèo, chồng chị làm gia công ốc vít không đủ ăn. Chị Phương khát khao có một xe bán nước mía, sang nhượng lại của người hàng xóm, nhưng số tiền ít ỏi ấy cũng không “đào” ở đâu ra. Chị mừng rỡ quá đỗi khi phường cho vay 5 triệu đồng. Nước mía bán chủ yếu vào mùa nắng, còn mùa mưa thì ế nhưng nhìn chung vẫn là khoản thu nhập lớn của gia đình. Vay vốn làm ăn hiệu quả, trả nợ tốt, hiện nay chị Phương là nhóm trưởng đại diện cho trên 20 hộ gia đình tham gia vay vốn trong khu phố, nơi nghèo nhất của phường.

Hẻm thoáng, nhà tươm


Chương trình Nâng cấp đô thị không chỉ trợ giúp vốn cho những hộ gia đình khó khăn mà còn giúp hẻm thông hè thoáng. Chẳng hạn câu chuyện mở rộng hẻm 336 Nguyễn Văn Luông, khu phố 2, 3 phường 12, quận 6.

Ông Nguyễn Văn Tiết, chủ nhân căn nhà 336/43/19 nhớ lại: Hồi đó, trước năm 2006 con hẻm nhỏ lắm, rộng chưa đầy 2m, chỉ lọt một chiếc xe lam 3 bánh. Chưa hết, mặt đường bị lở lói, lõm sâu nên chỉ một cơn mưa đã bị ngập nước. Thế rồi, con hẻm nhỏ thó này đã lọt vào “tầm ngắm” của chương trình Nâng cấp đô thị.

Ông Nguyễn Việt Cường, cán bộ Ban quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TPHCM-theo dõi địa bàn này kể, không phải dễ dàng để mọi người chấp thuận “chặt nhà” mở rộng hẻm. Phải vận động bà con vì lợi ích lâu dài, đường hẻm sẽ rộng ra, giao thông thuận tiện, giá trị nhà tăng lên. Khi tư tưởng được đả thông, công việc còn lại chỉ thực hiện trong một năm là hoàn chỉnh. “Hẻm rộng hơn gấp đôi, đẹp quá đi chứ”, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó ban công tác mặt trận khu phố 3, phường 12, quận 6 hồ hởi nói.

Vay vốn để sửa nhà nhưng được trả chậm, đó là động lực thúc đẩy người dân hưởng ứng chương trình. Căn nhà của anh Đoàn Văn Hiền ngụ 95/154 Đinh Tiên Hoàng quận Bình Thạnh trông thật khang trang thoáng mát. Ngôi nhà mới được xây khoảng gần một năm nay, nằm lọt thỏm sau lưng giữa những nhà cao tầng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng khoảng 40m², một gác, tường sơn nước, nền lát gạch men, anh Hiền nói: Xây được căn nhà này nhờ chương trình Nâng cấp đô thị cho vay 15 triệu đồng, bạn bè cho mượn thêm, thế là tui làm. Nếu không, suốt đời chắc ở mãi “căn chòi ổ chuột”.

Ông Trần Công Hậu, cán bộ Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TPHCM cho biết, sau 5 năm thực hiện đã cho 18.031 hộ với số tiền phát vay 167 tỷ đồng để cải tạo nhà, cải thiện thu nhập. Như thế đã và sẽ tiếp tục có nhiều câu chuyện tươi đẹp, bộ mặt mới mà dự án Nâng cấp đô thị mang lại cho những thị dân nghèo, cho những con hẻm lầy lội chật chội của thành phố…

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng