Kích cầu để phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp

Cập nhật 15/02/2013 10:14

Bất động sản đóng băng, dự báo chưa thể ấm lên ngay trong năm 2013 này thì nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuyển hướng kinh doanh từ những dự án lớn sang xây dựng các chung cư mi ni dành cho nguời có thu nhập thấp. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này cũng không ít khó khăn đòi hỏi cần những biện pháp kích cầu hữu hiệu.

Bất động sản đóng băng, dự báo chưa thể ấm lên ngay trong năm 2013 này thì nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuyển hướng kinh doanh từ những dự án lớn sang xây dựng các chung cư mi ni dành cho nguời có thu nhập thấp. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này cũng không ít khó khăn đòi hỏi cần những biện pháp kích cầu hữu hiệu.

Hình minh họa

“Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”…

Nếu như những năm 2009, 2010 ở thời điểm “đỉnh cao” của bất động sản thì việc chen chân “kiếm” một suất nộp hồ sơ mua nhà dành cho người thu nhập thấp là vô vùng khó khăn thì chỉ hơn 1 năm sau đó, khi quả bóng bất động sản bắt đầu xì hơi thì những dự án này “đại hạ giá” cũng vẫn ế ẩm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do kinh tế khó khăn, nguồn tiền trong dân khan hiếm, thu nhập của người dân bị giảm sút nghiêm trọng do không có việc làm, lương bổng bị cắt giảm.

Trong khi đó ngân hàng dù giảm lãi suất nhiều lần nhưng vẫn đứng ở mức cao khiến người có nhu cầu thực sự cũng không dám vay. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người dân không có nhu cầu về nhà ở và DN không có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực này. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp giai đoạn 2009 - 2015 của các địa phương là 189 dự án, với quy mô 166.390 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 700 nghìn người.

Nhu cầu là lớn, song thực tế đầu tư vào nhà ở có bán được hay không lại là chuyện khác. Điển hình như Hà Nội, đến nay thành phố còn tồn đọng gần 5.800 căn hộ, với hơn 566 nghìn m2 sàn, phần lớn là các căn hộ có diện tích lớn, gần 3.500 căn nhà thấp tầng (gồm biệt thự, nhà liền kề) với hơn 870 nghìn m2 sàn; 330 căn hộ dành cho người thu nhập thấp; 175 nghìn m2 văn phòng...

Thị trường nhà ở thương mại cao cấp đã rơi vào tình trạng ế thừa, trong khi nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất lớn. Hiện có khoảng 375 nghìn hộ dân, chiếm 52% số hộ dân ở Hà Nội có diện tích bình quân nhà ở dưới mức trung bình và hơn 114 nghìn cán bộ, công nhân, viên chức có nhu cầu mua nhà ở, nhưng chưa mua được nhà.

Chính vì xây nhà to, giá tiền đội lên nhiều nên tình trạng ế ẩm ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác là chuyện trở nên hết sức bình thường. Mỗi đợt các DN thu gom hồ sơ chỉ được vài trăm, bốc thăm teo tóp còn vài chục, thậm chí người trúng rồi còn xin rút.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều DN chuyển hướng sang xây chung cư mi ni ở những khu vực ven đô với giá thành 600 - 800 triệu/căn. Giá tiền này khá phù hợp với nhiều người lao động, nhiều DN còn cho mua trả góp, hỗ trợ lệ phí sang tên…

Việc đầu tư này tỏ ra phù hợp với nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ, không cần vốn lớn mà lãi suất ngân hàng nếu có đi vay thì cũng trong khả năng “chịu đựng được”. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây cũng được xem như một phản ứng linh hoạt và tích cực của các chủ đầu tư, các DN hay hộ gia đình có sẵn đất, góp phần giải bài toán nhà ở cho một bộ phận người dân đang khó khăn về nhà ở tại các đô thị lớn.

Lợi ích kép

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc cơ cấu lại dự án, thay vì làm những dự án cho nhà ở cao cấp, cho người giàu thì bây giờ phải làm cho người nghèo, tức là tập trung vào nhóm nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ chính là gói gián tiếp kích cầu để tạo điều kiện cho nhà đầu tư và cũng chính là gói hỗ trợ cho người nghèo được mua nhà.

Bộ trưởng Dũng cho rằng làm như vậy sẽ được hai việc: thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho DN và do đó tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Lợi ích thứ hai là những người nghèo, những người thu nhập thấp có điều kiện để cải thiện nhà ở.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.Hà Nội về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý  với Hà Nội công tác rà soát lại quy hoạch, phát triển thị trường nhà ở theo hướng có cơ cấu hợp lý, quan tâm tập trung nguồn lực để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, nhà ở công nhân, sinh viên, cán bộ công chức…

Nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường. Có chính sách khuyến khích, kích cầu về nhà ở; làm sao cho người có thu nhập thấp cũng mua được, hoặc thuê được nhà với giá cả hợp lý.
 

Cũng theo Bộ trưởng Dũng có nhiều dạng nhà ở xã hội, đó là loại do Nhà nước đầu tư như nhà cho sinh viên, nhà ở cho thuê. Loại thứ hai, DN đầu tư thì Nhà nước hỗ trợ bằng tiền sử dụng đất hoặc bằng các chính sách về tài chính, về tín dụng khác.

Còn loại nhà ở xã hội nữa là do người dân đầu tư. Riêng phát triển nhà ở cho công nhân, Bộ trưởng Dũng cho rằng “chỉ có Nhà nước đầu tư, chỉ có DN đầu tư thì không đủ, cho nên phải khuyến khích người dân đầu tư, nhưng Nhà nước có chính sách và hỗ trợ quyền sử dụng đất”. Bộ trưởng Dũng nói thêm, “chúng tôi đang cụ thể hóa chiến lược nhà ở bằng những chính sách và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành”.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng cùng với Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh..., những địa phương có nhiều công nhân, có nhiều người lao động, có nhiều người còn khó khăn về nhà ở tập trung xây dựng để tháo gỡ các vấn đề này, để người có thu nhập thấp nhanh chóng tiếp cận với chủ trương nói trên.

Đầu tư vào lĩnh vực phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp không chỉ là ưu tiên cho DN mà còn phải tháo gỡ vấn đề dòng tiền từ phía người dân. Nhiều ý kiến cho rằng để kích cầu mua nhà thu nhập thấp, ngân hàng cần tiếp tục cho vay, nhất là những người mua nhà sử dụng lần đầu, những người mua nhà ở xã hội và đề nghị Quốc hội cho phép miễn giảm thuế VAT đối với những người mua nhà ở lần đầu.

Cùng đó là đổi mới những vấn đề về thủ tục mua bán, đặc biệt chủ đầu tư cần tạo điều kiện cho người mua nhà nếu không khi xảy ra tranh chấp người mua luôn phải chịu thiệt vì “nắm đằng lưỡi”.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN