Ngày 8.12, Bộ Xây dựng đã có tờ trình đề xuất Chính phủ về việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội từ vốn ngân sách nhà nước. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam...
Ngày 8.12, Bộ Xây dựng đã có tờ trình đề xuất Chính phủ về việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội từ vốn ngân sách nhà nước. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thực hiện tốt gói giải pháp kích cầu này sẽ là tiền đề thu hút các nguồn vốn khác, nhằm phát triển lĩnh vực nhà ở xã hội đang cần lực đẩy tăng trưởng.
Mâu thuẫn lớn
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng, một mâu thuẫn lớn đang tồn tại hiện nay là khả năng tiếp cận các dự án nhà ở của người thu nhập thấp hoàn toàn tỉ lệ nghịch với tốc độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, chủ yếu dành cho người có thu nhập cao và mang tính đầu cơ. Suốt một thời gian dài, việc đầu tư cho các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn ít có chuyển biến, có chăng chỉ là một số dự án thí điểm, nhen nhóm ở một vài tỉnh, thành phố.
Nguyên nhân do chi phí đầu tư xây dựng các dự án này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và dài hạn, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia đầu tư đều phải vay với lãi suất cao, nhưng lợi nhuận thu về khi cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội lại hầu như không có, hoặc thời gian thu hồi vốn quá lâu, vượt quá sức chịu đựng của DN. Trong khi đó, với quy định ngân sách địa phương hỗ trợ xây quỹ nhà ở xã hội quá hạn hẹp. Đó là chưa kể, nhiều địa phương không đủ thu bù chi, phải xin ngân sách T.Ư hỗ trợ thì quả là không có nguồn để bố trí vốn cho nhà ở xã hội.
Đề xuất của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội từ vốn ngân sách nhà nước sẽ nhằm vào 3 mục tiêu:
Thứ nhất, tạo lập quỹ nhà ở để góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc của các đối tượng có thu nhập thấp, những người thực sự khó khăn về nhà ở để góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ hai, thông qua việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở nhằm góp phần kích cầu đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng của các ngành kinh tế còn dư thừa nguồn cung. Theo tính toán sơ bộ, nếu thực hiện đầu tư xây dựng 500.000m2 nhà ở, sẽ cần tiêu thụ khoảng 120 nghìn tấn ximăng, 30 nghìn tấn sắt thép và nhiều loại vật liệu khác, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ngành xây dựng.
Thứ ba, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn nhà nước sẽ hình thành quỹ tài sản nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Khai thác quỹ tài sản này, sẽ đảm bảo thu hồi vốn thông qua việc thu tiền cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Sau một quá trình khai thác tối thiểu từ 20-30 năm, nếu người thuê không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước sẽ cải tạo, xây dựng lại hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng để đạt hiệu quả cao hơn.
Thí điểm để nhân rộng
Để giải "bài toán" kích cầu tiêu dùng trong lĩnh vực nhà ở xã hội, các đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội cũng được Nhà nước sàng lọc. Đó phải là những hộ thực sự có khó khăn về nhà ở, nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ bằng các hình thức như phân phối nhà, giao đất làm nhà ở, chưa được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước theo NĐ61/CP.
Người được thuê, thuê mua nhà cũng phải đáp ứng điều kiện về thu nhập bình quân hàng tháng theo quy định. Các đối tượng được ưu tiên cho thuê mua là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang (là đối tượng có thu nhập thường xuyên, ổn định, có khả năng chi trả 20% giá trị tiền thuê mua ngay sau khi ký hợp đồng).
Thời hạn thuê nhà tối đa là 5 năm; khi hết thời hạn, nếu bên thuê có nhu cầu tiếp tục thuê thì phải thực hiện thủ tục xác nhận vẫn thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội, nhưng tối đa không vượt quá 15 năm.
Bộ Xây dựng cho biết, trước mắt, liên quan đến nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho gói giải pháp kích cầu của Chính phủ, số vốn này đề nghị được giao cho Bộ Xây dựng làm đầu mối, lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm đảm nhận việc quản lý đầu tư xây dựng.
Trước mắt, sẽ triển khai thực hiện thí điểm tại 2 đô thị có nhu cầu bức xúc về nhà ở là HN và TPHCM. Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm về tiến độ triển khai dự án, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo điều kiện về giá thuê, thuê mua phù hợp với đối tượng là người thu nhập thấp. Sau khi các dự án thí điểm hoàn thành, việc tổ chức quản lý, khai thác, vận hành quỹ nhà ở để thu hồi và hoàn trả vốn đầu tư sẽ được bộ quản lý và chuyển giao cho các địa phương.
Khoảng 2.500 tỉ đồng kích cầu đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng dự kiến, số tiền trên sẽ được bố trí từ nguồn vốn kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ (quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia). Dự kiến, sẽ có khoảng 4-6 dự án tại HN và TPHCM (mỗi TP khoảng 2-3 dự án) với quỹ đất khoảng 30-40ha. Quy mô đầu tư khoảng 10.000 căn hộ, tương đương khoảng 500.000m2 sàn, trong đó có khoảng 5.000 căn hộ dành cho công nhân và 5.000 căn dành cho các hộ gia đình thu nhập thấp, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 người. Suất đầu tư dự tính tại thời điểm hiện nay khoảng 5 triệu đồng/m2 sàn. Tiến độ thực hiện trong 2 năm 2009-2010.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động