Các tỉnh, thành chưa phân bổ vốn và lo quỹ đất cho nhà ở xã hội; còn doanh nghiệp thì chê vốn lớn, lãi ít nên không tham gia.
Các tỉnh, thành chưa phân bổ vốn và lo quỹ đất cho nhà ở xã hội; còn doanh nghiệp thì chê vốn lớn, lãi ít nên không tham gia.
Như số trước Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, hàng triệu người có thu nhập thấp đang có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Theo Bộ Xây dựng, mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại khu vực đô thị ở nước ta hiện nay khoảng 4-6 triệu đồng/tháng. Riêng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thu nhập chủ yếu từ tiền lương, khả năng tích lũy để chi cho nhà ở tối đa rất thấp, khoảng 11% tổng thu nhập. Đây là nguyên nhân làm cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách khó có điều kiện để tạo lập chỗ ở. Dù nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho loại hình này nhưng đến nay số lượng nhà ở xã hội thực tế đã xây dựng xong vẫn rất hiếm hoi.
“Khát” vốn, “khát” quỹ đất
Theo Luật Nhà ở, các địa phương thành lập quỹ phát triển nhà ở để tạo vốn xây dựng nhà ở xã hội từ các nguồn: Tiền thu từ bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trích 30%-50% tiền sử dụng đất từ các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị mới, ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm, tiền huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác. “Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách của các địa phương còn hạn hẹp trong khi nhu cầu chi tiêu để đầu tư cho các mục đích an sinh xã hội khác như cải thiện hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, đầu tư cho giáo dục, y tế... rất lớn. Do đó, các địa phương không đủ khả năng bố trí nguồn vốn dành cho nhà ở xã hội” - ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết.
Luật Nhà ở cũng quy định các địa phương phải tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại từ 10 ha trở lên có trách nhiệm dành 20% quỹ đất đã xây dựng hạ tầng trong phạm vi dự án để giao chính quyền phục vụ xây dựng nhà ở xã hội. Đất được giao làm dự án nhà ở xã hội sẽ không tính tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Một số quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc ưu đãi về thuế, tổ chức hoạt động của quỹ phát triển nhà ở của các địa phương chậm được ban hành. Các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đã ban hành chưa cụ thể hoặc chưa thực sự thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Nhà rẻ xa tít mù, bán cho ai?
Cần phân biệt nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở và nhà ở thương mại giá thấp do các doanh nghiệp tự đầu tư kinh doanh. Nhà ở xã hội là dạng nhà đặc thù (được quy định về quy mô, diện tích...), có những chính sách ưu đãi nhất định và cho một số đối tượng nhất định được thuê, thuê mua theo giá nhà nước. Nếu nhà ở thương mại giá thấp từ khoảng 500 triệu đến dưới một tỷ đồng thì nhà ở xã hội phải thấp hơn nữa. Chẳng hạn dự án nhà hai, ba trăm triệu đồng của Vinaconex Xuân Mai (Hà Nội), giá khoảng 4-5 triệu đồng/m2 với quy mô chung cư năm tầng, không thang máy. Thậm chí còn có thể xuất hiện nhà ở xã hội giá 150 triệu đồng nhờ áp dụng công nghệ mới nên 1 m2 sàn có giá ba triệu đồng như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết vừa qua.
“Theo suất vốn đầu tư mà Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, mức giá cũng sàn sàn như vậy. Vấn đề cốt yếu là tiền đất để làm nhà giá thấp ở đâu ra. Nếu quỹ đất đẹp, gần trung tâm thì rất mắc, chủ đầu tư dĩ nhiên không làm nhà ở xã hội. Đến vùng xa như ở Củ Chi, Cần Giờ (TP.HCM) thì may ra còn giá đất rẻ nhưng đầu tư nhà ở xã hội ở đó thì bán cho ai?” - ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhận xét. “Nghe nói có căn hộ giá 200 triệu đồng ở Hà Nội, hỏi ra thì ở tuốt Hà Tây, cách trung tâm gần 40 km! Nói thiệt bán cho tôi, tôi cũng không mua” - kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, nói.
“Tiền nào thì của nấy. Là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi không thể làm nhà giá rẻ mà chất lượng thấp, sau này bán cho người dân, họ phản ứng thì mất uy tín” - lãnh đạo một công ty bất động sản ở quận 7 cho biết. “Dự án ở quận 12 có giá bồi thường đã hơn mười mấy triệu đồng 1 m2, chưa kể tiền xây dựng thì làm sao nhà đầu tư chịu làm nhà ở xã hội rồi cho thuê, thu bạc cắc với giá hai, ba chục ngàn đồng/m2/tháng?” - kỹ sư Nguyễn Văn Đực phân tích.
Giới hạn sáu tầng: Nhà rẻ hóa đắt!
Theo Luật Nhà ở, nhà ở xã hội có diện tích từ 30 đến 60 m2/căn thì ổn nhưng còn quy định dự án chỉ được xây năm, sáu tầng thì các doanh nghiệp đều than là quá cứng nhắc, không khả thi. “Có lẽ những nhà làm luật cho rằng xây ít tầng thì giá xây dựng thấp, dễ đập bỏ xây lại nếu sau này có điều kiện. Đặc biệt là khu vực gần trung tâm đất quý như vàng thì rất bất hợp lý nếu đi xây chung cư chỉ có năm, sáu tầng. Loại chung cư ít tầng, không thang máy kiểu chung cư mở như trước kia cũng là một điều sai lầm, nên bị khai tử. Nó vừa không kinh tế, vừa số lượng ít, vừa dễ mất an ninh tạo thành một khu vực phức tạp mới” - ông Đực nói. “Còn nếu quan niệm rằng xây thấp để ở một thời gian rồi đập xây lại xịn hơn thì lại càng không nên. Phải nghĩ đến lâu dài chứ không thể ăn xổi ở thì” - ông nói thêm.
Mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến ngày 14-4 với đại diện năm tỉnh, thành đã khẳng định nhà xã hội không phải chỉ có loại năm, sáu tầng, không thang máy. Bộ Xây dựng không khống chế tầng cao để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp đầu tư. Chớ nên hiểu nhà giá thấp là phải đầu tư thấp và đầu tư thấp quá hóa lại đắt là vì vậy. Tuy nhiên, phát biểu này vẫn chưa được luật hóa nên chưa thể áp dụng trong thực tế.
Xây nhà cho công nhân lưu trú: Rất lỗ!
Công ty Sadeco là đơn vị tham gia xây sáu block nhà lưu trú cho công nhân thuê tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) đã đưa vào sử dụng hai block với 1.100 chỗ ở là có đất sẵn do thành phố giao không thu tiền sử dụng đất. “Giá cho thuê là 100 đến 150 ngàn đồng/người. Một phòng khoảng gần 40 m2 với sáu người ở. Giá này do công ty đưa ra qua sự đồng ý của Hepza (Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP)” - ông Hoàng Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sadeco, cho biết. Với giá này, “doanh nghiệp rất lỗ, đừng nói chi đến chuyện lợi nhuận” - ông Ánh cho biết. “Lại càng khó có khả năng có doanh nghiệp nào lấy quỹ đất của mình xây nhà ở xã hội cho thuê. Nếu là đất của nhà nước thì may ra” - ông Đực nói.
Kiến nghị ưu đãi cho dân xây nhà trọ
Vừa qua, trong Công văn 1559 báo cáo UBND TP về kế hoạch xây nhà cho công nhân thuê, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị mở rộng đối tượng là hộ gia đình, cá nhân làm xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất thuê (đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định) được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất nếu phù hợp quy hoạch, miễn thuế kinh doanh ba năm... Đây là thành phần chủ yếu làm nhà cho công nhân thuê hiện nay. Tuy nhiên, xây nhà ở theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là thế nào, cho thuê trong bao lâu mới được hưởng các ưu đãi này... thì còn cần phải tính đến.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP