Chính phủ đã đồng ý cho thực hiện mô hình đối tác công - tư (PPP), nghĩa là cho phép tư nhân (có nguồn vốn góp) được thực hiện các dự án, công trình của Nhà nước một cách rộng rãi, Nhà nước có tư cách là cơ quan đảm bảo hoặc là cơ quan góp vốn ban đầu.
Chính phủ đã đồng ý cho thực hiện mô hình đối tác công - tư (PPP), nghĩa là cho phép tư nhân (có nguồn vốn góp) được thực hiện các dự án, công trình của Nhà nước một cách rộng rãi, Nhà nước có tư cách là cơ quan đảm bảo hoặc là cơ quan góp vốn ban đầu.
Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước: Chính phủ Việt Nam khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng - Ảnh Chinhphu.vn |
Với chủ đề “Các mô hình đầu tư tài chính cho cơ sở hạ tầng ở Việt Nam” trong khuôn khổ Hội thảo Thị trường vốn và tài chính Việt Nam diễn ra hôm nay (30/11), các đại biểu khuyến nghị cần đa dạng hóa nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Trần Văn Tá cho biết, trong nhiều năm qua, tổng mức đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam được duy trì ở mức trên 10% GDP.
Để khắc phục thách thức về nguồn vốn, Chính phủ đã khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua việc đa dạng hóa các mô hình đầu tư tài chính.
Đặc biệt, Chính phủ đã đồng ý cho thực hiện mô hình đối tác công - tư (PPP), nghĩa là cho phép tư nhân (có nguồn vốn góp) được thực hiện các dự án, công trình của Nhà nước một cách rộng rãi, Nhà nước có tư cách là cơ quan đảm bảo hoặc là cơ quan góp vốn ban đầu.
Giám đốc phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) Simon Andrew cho rằng mô hình này nếu được thực hiện phổ biến sẽ là kênh huy động vốn rất hiệu quả. Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân sẽ đổ nhiều hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, vị đại diện của IFC cũng lưu ý, mỗi lĩnh vực đầu tư đều có lợi nhuận, rủi ro, cũng như thời gian thu hồi vốn khác nhau, chẳng hạn, thời gian thu hồi vốn cho dự án cầu đường sẽ ngắn hơn so với dự án bảo vệ môi trường sinh thái.
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các khuôn khổ pháp lý cụ thể ứng với từng lĩnh vực khác nhau.
Ngoài ra, việc phân bổ nguồn nhân lực của Nhà nước (gồm vốn xây dựng cơ bản và vốn ODA) cũng cần có sự cơ cấu lại để dành ra nguồn vốn nhất định cho các dự án giữa Nhà nước và tư nhân. Các thủ tục cấp vốn, thanh quyết toán cần thiết phải thuận lợi và đảm bảo hài hòa các nguồn vốn.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2009, tổng nguồn vốn tập trung của ngân sách nhà nước năm 2009 giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) đạt trên 77.455 tỷ đồng, bằng 76,4% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2008 chỉ đạt 63,8%).
Với tiến độ giải ngân như hiện nay, Bộ Tài chính dự báo, cả năm, tổng số vốn ngân sách tập trung cho XDCB giải ngân đạt khoảng 99.802 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch năm.
Đây là tỷ lệ giải ngân cao nhất kể từ trước đến nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ