Khuyến khích tư nhân đầu tư hạ tầng

Cập nhật 08/05/2009 09:55

Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Trọng Tín khẳng định triển khai chương trình hợp tác nhà nước - tư nhân (khung thể chế PPP) là bước đột phá trong lĩnh vực...

Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Trọng Tín khẳng định triển khai chương trình hợp tác nhà nước - tư nhân (khung thể chế PPP) là bước đột phá trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

* Vì sao cần thiết ban hành khung thể chế PPP, thưa ông?

- Chương trình hợp tác nhà nước - tư nhân là huy động tư nhân đầu tư vào lĩnh vực công, trước mắt tập trung vào hạ tầng kinh tế, về lâu dài sẽ kêu gọi đầu tư vào các hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục...

Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới nên nhu cầu vốn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tăng đột biến. Để giảm sức ép lên ngân sách Nhà nước, Chính phủ chủ trương huy động nhiều nguồn vốn khác, đặc biệt từ khu vực tư nhân.

Do đó, Chính phủ giao Bộ KH - ĐT phối hợp Bộ Tài chính thành lập Văn phòng quốc gia nghiên cứu PPP nhằm đáp ứng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Bộ KH - ĐT đã thành lập Ban Quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động Văn phòng phát triển chương trình PPP. Trong giai đoạn đầu, Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ không hoàn lại 400.000 USD.



Vụ trưởng Nguyễn Trọng Tín.

* Xin ông cho biết khi nào thì chương trình này vận hành?

- Chúng tôi và WB sẽ thiết lập hệ thống văn bản quy phạm ở mức cao hơn các quy định liên quan hiện tại, phạm vi điều chỉnh rộng hơn cho tất cả các loại hình PPP gồm cả quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính, hệ thống quản lý rủi ro tài chính... Từ đó, cân nhắc từng giai đoạn trình Chính phủ ban hành nghị định hoặc Quốc hội để ban hành thành pháp lệnh hoặc luật.

Dự kiến sau 12 đến 18 tháng nữa Bộ KH - ĐT sẽ trình Chính phủ hệ thống văn bản pháp quy PPP. Bộ KH - ĐT cũng đã giới thiệu và cùng WB làm việc với một số nhà đầu tư thẩm tra khả năng thực hiện thí điểm hai dự án trong dự án đường cao tốc Bắc - Nam và một dự án cấp nước sạch phía Bắc Hà Nội có tổng vốn dự kiến 1 - 1,2 tỷ USD làm cơ sở thực tiễn phục vụ quá trình nghiên cứu khung thể chế PPP.

* Trong quá trình đấu thầu dự án PPP, tiêu chí nào được “chấm điểm” cao thưa Vụ trưởng ?

- Nhà đầu tư càng huy động hoặc chứng minh có khả năng huy động được vốn tư nhân nhiều nhất càng được đánh giá cao. Nhà nước kiên quyết từ chối nhà đầu tư không thuyết phục được khả năng huy động vốn, không đảm bảo năng lực tài chính để tránh rủi ro.

* Doanh nghiệp tư nhân đầu tư PPP sẽ nhận được ưu đãi gì, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ ưu tiên các dự án cấp bách, trong quy hoạch, có nhiều nhà đầu tư quan tâm, khả năng thu hồi vốn cao... Trong thời gian đầu, doanh nghiệp tham gia dự án PPP bao giờ cũng thiếu vốn nên có thể Nhà nước cho vay tín dụng lãi suất thấp. Hoặc Nhà nước tham gia một số phần việc của dự án mang tính cấp bách, cần thiết như đền bù giải phóng mặt bằng.

Đối với các dự án đường xá, cầu cống, trong quá trình vận hành dự án nếu thấy mức thu phí giao thông không đảm bảo hoàn vố thì Nhà nước có thể cho phép doanh nghiệp thu phí cao hơn quy định hoặc sẽ trợ giá cho doanh nghiệp giống như trợ giá cho xe buýt.

* Ông nghĩ thế nào về việc doanh nghiệp tham gia PPP có thể trực tiếp vay vốn ODA?

- Chúng tôi cũng tính tới khả năng này nhưng còn phụ thuộc vào nhà tài trợ có chấp thuận hay không. Đây là vấn đề khó vì họ rất cần một cơ sở đảm bảo thu hồi được nợ.

* Nếu dự án thua lỗ, Nhà nước có phương án gì để chia sẻ thiệt hại?

- Các dự án thuộc lĩnh vực cấp nước, vệ sinh môi trường đô thị có khả năng thu hồi vốn thấp. Trong quá trình thí điểm, chúng tôi nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, để xác định mức mà Nhà nước có thế chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

* Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt