Khu vực nội thành cũ: Hạn chế xây dựng nhà cao tầng

Cập nhật 10/06/2011 09:25

TP Hà Nội đang xây dựng chương trình đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...

TP Hà Nội đang xây dựng chương trình đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đồng thời tôn tạo phố cổ, phố cũ, cải tạo chỉnh trang, xây dựng lại các khu chung cư, nhà ở cũ.

Đặc biệt, tại khu vực nội thành cũ, sẽ hạn chế xây dựng nhà cao tầng, không bố trí xây dựng thêm bệnh viện, trường đại học, cao đẳng và hạn chế đầu tư nâng công suất công trình dịch vụ công cộng.


Bên cạnh việc xây dựng các KĐT hiện đại, thành phố sẽ chú trọng hơn nữa đến việc cải tạo chung cư cũ một cách hiệu quả. Ảnh: Huyền Linh

Nhiệm vụ trọng tâm của TP trong giai đoạn 2011-2015 là hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chi tiết và quy hoạch nông thôn mới cùng với các quy hoạch chuyên ngành để bảo đảm "phủ kín" địa bàn sau khi quy hoạch xây dựng chung được phê duyệt. Ngoài ra, các tuyến giao thông vành đai, hướng tâm đều phải có quy hoạch hai bên đường.

Về lĩnh vực nhà ở, TP dự kiến xây mới 12-15 triệu mét vuông sàn; trong đó ưu tiên phát triển đô thị hài hòa hai bên sông Hồng. Bên cạnh nhà ở thương mại, TP sẽ tập trung phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp đô thị. Cụ thể, đến năm 2015 hoàn thành 15.000 căn, tương đương 1,1-1,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội (thuê, thuê mua); hoàn thành 10 dự án với 41.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên; xây dựng 28.750 căn hộ, tương đương 1,6 triệu mét vuông nhà cho công nhân.

Đồng thời, Hà Nội triển khai xây dựng các khu đô thị phục vụ tái định cư giải phóng mặt bằng; thực hiện đề án giãn dân phố cổ, đề án nhà ở cho công chức hưởng lương ngân sách; thực hiện lộ trình chuyển dần trụ sở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học ra khu vực ngoại thành và đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa tại các khu đô thị mới, khu vực ngoại thành để tạo sức hút phân bố lại mật độ dân cư nội thành.

Cùng với đó, Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, như giao thông, hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý chất thải hiện đại, cải tạo môi trường… bằng phương thức xã hội hóa. Theo đại diện cơ quan soạn thảo - Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, về cơ bản chương trình bám sát mục tiêu mà Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra nhằm xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm trật tự, kỷ cương, giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc.

Tại cuộc họp góp ý cho dự thảo chương trình mới đây, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đại diện nhiều sở, ngành, quận, huyện đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý đô thị. Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Hồng Thăng nêu thực trạng, do chưa có quy hoạch nên công tác quản lý rất khó khăn, có dự án chưa thể thu hồi được đất nhưng cũng không thể canh tác, dẫn đến các điểm nóng về trật tự. "Phải có quy hoạch thì công tác quản lý mới đi vào nền nếp, ổn định" - ông Thăng nói. Bên cạnh đó, ông Thăng đề xuất có chế tài mạnh để xử lý triệt để chợ cóc, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang khá phổ biến hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo nhận định, từ trước đến nay, quy hoạch chi tiết đều do chủ đầu tư tự lập nên thường thiên về lợi ích của chủ đầu tư. Vì thế, nên chăng TP dành kinh phí cho các quận, huyện lập quy hoạch chi tiết, sau đó mới gọi đầu tư, như vậy cơ quan quản lý mới chủ động. "Cách làm vừa rồi, chúng ta mới nhận quy hoạch chứ chưa phải chủ động làm quy hoạch" - ông Bảo nhấn mạnh. Cũng theo ông Bảo, chương trình không nên "gói" trong các quận nội thành mà cần mở sang cả các huyện ngoại thành ven đô, bởi đây là khu vực đan xen giữa nông thôn và đô thị. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu không nghiên cứu sẽ dẫn đến những bất cập trong quản lý.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng thẳng thắn cho rằng, công tác quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội còn nhiều yếu kém. Điển hình là tình trạng các khu đô thị mới đầu tư thiếu đồng bộ, đáng lẽ phải có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện rồi mới xây nhà để bán thì thực tế làm ngược lại, xây nhà để bán trước, còn công viên, trường học quây rào để đó. Đây là quan điểm ăn xổi, là tư duy cũ cần phải xóa bỏ. Chủ tịch TP cũng cho rằng biện pháp cải tạo nhà chung cư cũ phải thay đổi. Ví dụ, có dự án cải tạo chung cư cũ phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng, trong khi mật độ xây dựng, tầng cao vẫn phải tăng gây nguy cơ chất tải lên hạ tầng. Số tiền bù lỗ đó có thể dành đầu tư khu đô thị mới để giãn dân cho chính khu tập thể cũ đó. "Quy định về cải tạo chung cư cũ phải nghiên cứu, không phải khu nào cũng được xây dựng lại thành nhà cao tầng, tăng mật độ xây dựng" - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới