Lẽ ra với 160 ha tái định cư trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Thủ tướng đã duyệt thì thành phố hoàn toàn đủ đất để dân tái định cư nhưng không hiểu bằng...
Lẽ ra với 160 ha tái định cư trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Thủ tướng đã duyệt thì thành phố hoàn toàn đủ đất để dân tái định cư nhưng không hiểu bằng cách nào đến nay đất lại thiếu đến độ phải đi mua lại?!
Mua lại đất “của mình”!
Sau khi Thành ủy TPHCM chỉ đạo "trả" lại cho người dân 12.500 căn hộ tái định cư, Ban chỉ đạo tái định cư đã có buổi làm việc với 14 doanh nghiệp có đất trên địa bàn 5 phường thuộc KĐTMTT để bàn việc mua lại quỹ đất nhằm bố trí tái định cư cho dân. Việc tưởng chừng như đơn giản lại đang “hứa hẹn” khá nhiều rắc rối.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, thì các doanh nghiệp (DN) chỉ đồng ý bán lại cho thành phố đất để bố trí tái định cư với giá thị trường mà hiện nay giá đất tại khu vực này không dưới 25 triệu đồng/m2.
Nếu UBND TPHCM đồng ý cho mua với giá này thì ngân sách sẽ thiệt đơn thiệt kép vì trước đây khi giao đất cho DN tiền thu về hầu như không đáng kể, nay lại phải đi mua lại chính mảnh đất mình đã “lỡ” giao trước đây với giá thị trường thì quả là “thiệt cả đôi đường”.
Việc này làm dư luận nhớ lại, Cty Lan Anh cũng được Nhà nước giao đất sau khi quy hoạch chung KĐTMTT được Chính phủ phê duyệt, sau đó vì vướng quy hoạch nên thành phố đã phải bỏ ra hơn 5 tỷ để bồi thường 2.811 m2 đất kênh rạch cho Cty Lan Anh!
Nếu tính toán kỹ thì ngân sách TPHCM đã không phải mất khoản tiền “oan uổng” này. Nhưng tại sao UBND TPHCM lại phải tiếp tục làm việc chẳng đặng đừng tương tự?
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM là phải tìm cho đủ đất để xây 12.500 căn hộ tái định cư, UBND TPHCM và cấp dưới đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Lẽ ra với 160 ha tái định cư trong KĐTMTT mà Thủ tướng đã duyệt thì thành phố hoàn toàn đủ đất để dân tái định cư nhưng không hiểu bằng cách nào đến nay đất lại thiếu đến độ phải đi mua lại?!
Trong khi đó từ năm 1996 đến nay, UBND TPHCM đã từng quyết định lấy 42 ha tái định cư từ phường Bình Khánh gộp vào trung tâm KĐTMTT, “biến” 80 ha phân lô bán nền giáp ranh KĐTMTT thành khu chỉnh trang và mới đây nhất là dự định lấy 65 ha thuộc khu dân cư phía đông và khu dân cư bắc đại lộ Đông Tây để góp vốn lập Cty cổ phần!
Như vậy, KĐTMTT chưa bao giờ thiếu đất để tái định cư chỉ có điều lâu nay đã bị “biến hoá” để sử dụng vào những mục đích khác nên giờ đây chẳng còn và UBND TPHCM buộc phải đi mua lại từ chính những Cty mà đã lỡ giao đất trước đây.
Sai dây chuyền?
Điều mà người dân trong KĐTMTT và TPHCM bức xúc hiện thời không chỉ là UBND TPHCM phải làm rõ 160 ha tái định cư đã giao cho ai, làm việc gì mà thành phố phải đi mua đất mà tiền đâu để UBND TPHCM mua?
Nếu lấy từ ngân sách thì cần phải xem lại vì số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng và ngân sách phải bỏ ra là do sai lầm trong phân bổ, sử dụng đất trước đây của chính UBND TPHCM và Q.2.
Nay sai lầm ấy chưa rõ trách nhiệm về ai thì không thể tiếp tục phung phí tiền của nhân dân một lần nữa. Không thể để cái sai này “đè chìm” cái sai khác và gây hệ lụy về lâu dài.
Được biết, với giá đất đang lên từng ngày như hiện nay và hầu hết các Cty đã phân lô bán nền trên thực địa hoặc trên giấy, sang nhượng qua nhiều người thì họ sẽ chịu bán và bán cho UBND TPHCM bằng cách nào đây?
Trong số 14 Cty có dự án mà thành phố mời họp bàn, có Cty chưa đền bù giải tỏa xong hoặc chưa xong hạ tầng, không có đường đi vào dự án... thì liệu đến bao giờ thành phố mới có đất để mua mà xây chung cư tái định cư.
Trước đây, một nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM từng ra Quyết định số 6565 ngày 27/12/2005 ghi rõ “thay thế quyết định 367/TTg của Thủ tướng” rồi lại tiếp tục ra quyết định 6566 ký cùng ngày lại căn cứ vào quyết định của Thủ tướng mà vị Phó Chủ tịch này đã “vượt quyền” ra quyết định thay thế!
Mới đây, sau khi công luận lên tiếng, ngày 7/11/2007, UBND TPHCM đã phải ra một quyết định “sửa sai” các điều trên nhưng gần 2 năm qua, bao nhiêu việc liên quan đến KĐTMTT đã căn cứ vào quyết định “vượt quyền” mang số 6565, 6566 để thực hiện thì sẽ sửa sai ra sao?
Rõ ràng UBND TPHCM đang “chữa cháy” do chính mình gây ra, nhưng thay vì lên phương án chữa toàn bộ thì nơi này lại dùng “tấm chăn nhỏ dập đám cháy lớn” nên cái sai này đang kéo theo cái sai khác.
Theo Tiền Phong