Khu đô thị của những người cày mất ruộng

Cập nhật 07/06/2010 10:40

Ông Bùi Văn Vận, phó chủ tịch xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội không giấu được vẻ lo lắng trước con số 11.000 con người đang tuổi lao động trong xã: “Họ không có việc làm và mất đất nông nghiệp rồi sẽ sống bằng cái gì đây?”

Ông Bùi Văn Vận, phó chủ tịch xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội không giấu được vẻ lo lắng trước con số 11.000 con người đang tuổi lao động trong xã: “Họ không có việc làm và mất đất nông nghiệp rồi sẽ sống bằng cái gì đây?”

Xã An Khánh là một xã điển hình về tốc độ đô thị hoá nhanh tới mức chóng mặt. Chỉ cách đây năm - bảy năm, 510ha đất nông nghiệp của xã này vẫn còn trồng cấy được. Người dân tuy nghèo nhưng cuộc sống yên ổn, có gạo để ăn và làm nghề phụ để chi tiêu. Tới nay, xã còn 160ha đất nông nghiệp chưa có quyết định thu hồi nhưng đã có quy hoạch 1/500. Xã An Khánh sẽ mất 100% đất nông nghiệp trong khi gần 11.000 người trong độ tuổi lao động của xã không có công ăn việc làm, không được đào tạo nghề và rất ít người được hỗ trợ để có thể chuyển đổi nghề nghiệp.

Nhiều vùng tại nước ta đang có tốc độ đô thị hoá nhanh chóng mặt như xã An Khánh. Chỉ sau một vài năm đến cả chính quyền xã cũng bàng hoàng khi nhận ra người dân sau khi nhận được vài trăm triệu đồng tiền hỗ trợ thu hồi đất nông nghiệp đã xây những ngôi nhà khang trang nhưng không biết làm gì để kiếm sống.

Theo nghiên cứu về mối tương quan giữa thị trường lao động và đô thị hoá ở nước ta tới năm 2020 do bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) thực hiện: năm 2009 dân số thành thị chiếm 29,6% cả nước và tốc độ tăng trung bình là 3,4%/năm. Dự kiến với đà tăng như vậy, tới năm 2020 ít nhất theo dự báo của Liên hiệp quốc dân số thành thị chiếm khoảng 35%, còn dự báo từ bộ Xây dựng tỷ lệ đó khoảng 45%.

Sẽ ít chuyện để nói nếu người dân được hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp và chủ động tham gia thị trường lao động chính thức được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế có nhiều lao động tham gia nhất, phần lớn lao động ở những vùng đô thị hoá làm việc trong khu vực phi chính thức. Chính bởi vậy trong thực tế sự dư thừa lao động của nước ta có thể cao hơn nhiều những số liệu chính thức được công bố.

Như câu chuyện của xã An Khánh, trong tổng số gần 11.000 người đang trong độ tuổi lao động thì có 7.924 nông dân bị mất đất nông nghiệp và hiện tại có 5.066 lao động không có việc làm. Có bốn thôn mất hết đất sản xuất thì chỉ thôn Vân Lũng có nghề phụ là làm mành nhựa, thảm thì người dân vẫn có việc làm để kiếm sống. Ba thôn còn lại là An Thọ, Phú Vinh và Yên Luỹ thì khoảng 20% lao động đi lang bạt làm thuê để kiếm sống, còn lại mấy năm nay số lao động này không biết làm gì, một phần do họ quá tuổi tuyển dụng làm công nhân nhà máy.

Thực tế, chính quyền xã An Khánh cũng đã chi ra hàng tỉ đồng để đào tạo nghề cho người dân nhưng những việc như vậy chưa đủ để họ có thể tự kiếm sống. Khoảng 230 lao động đã được đào tạo nghề khâu bóng, may công nghiệp và trồng hoa cây cảnh. Tuy nhiên, vấn đề nan giải ở chỗ những người lao động hôm qua còn là nông dân hôm nay trở thành người đô thị không biết làm cách nào để tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình.

Theo bài học kinh nghiệm từ các nước có nền kinh tế công nghiệp mới (NIE), trước khi đầu tư cho công nghiệp hoá, đô thị hoá họ đã đầu tư lớn vào nguồn nhân lực ở giai đoạn đầu, thậm chí là đầu tư trước về nguồn nhân lực. Chính điều này đã khiến các nước tránh được “điểm dừng đột ngột” trong tăng trưởng có nguyên nhân từ nguồn nhân lực kém.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị