Khớp nối hạ tầng: Nhà, đất quận Long Biên "lên đời"?

Cập nhật 18/03/2014 15:08

Động thái quyết tâm thực hiện công tác khớp nối hạ tầng kỹ thuật tại Q.Long Biên, Hà Nội trong năm 2014 được kỳ vọng "thổi luồng sinh khí" vào phân đoạn thị trường bên kia sông Hồng.

Động thái quyết tâm thực hiện công tác khớp nối hạ tầng kỹ thuật tại Q.Long Biên, Hà Nội trong năm 2014 được kỳ vọng "thổi luồng sinh khí" vào phân đoạn thị trường bên kia sông Hồng.

Quận Long Biên, huyện Gia Lâm vốn không hấp dẫn người mua ở thực và dân đầu cơ bởi yếu tố hạ tầng thua sút những địa bàn gần trung tâm. Mới đây, Tp. Hà Nội phê duyệt chủ trương, cho phép UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm tại đây.

Rốt ráo vào cuộc

Từ năm 2010 đến nay, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện mạnh mẽ đã mang tới cái nhìn khác về cuộc sống, tiện ích cộng đồng tại Long Biên. Không ít công trình dân sinh, tổ hợp chung cư – văn phòng, tái định cư đạt chất lượng đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu của dân cư nơi đây, như Khu đô thị Việt Hưng, Sài Đồng, Vincom…

Tuy vậy, điểm "trừ" cho cuộc sống dân sinh tại khu vực Q.Long Biên vẫn tồn tại: ùn tắc giao thông liên tục tại nút giao Nguyễn Văn Linh – Việt Hưng, Vũ Văn Linh – Vũ Xuân Thiều; gian nan trong giờ cao điểm khi di chuyển vào nội đô (Q.Hoàn Kiếm); các cơ sở y tế, giáo dục công lập thiếu hụt… Đó còn chưa kể địa bàn Q.Long Biên bị "tiếng xấu" là quá nhiều nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh nhạy cảm từ nhiều năm trước, nên sức cầu về nhà, đất nơi đây vẫn chưa thể "khởi sắc" trong ngắn hạn.

Chỉ vài năm nữa, Long Biên sẽ là địa bàn thu hút lực đầu tư BĐS

Với quyết định mới đây của UBND Tp.Hà Nội, cơ hội "lột xác" đang dành cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn Q.Long Biên. Theo đó, Tp. Hà Nội yêu cầu sửa chữa duy tu, điều chỉnh biển báo, sơn kẻ vạch… trên một số tuyến đường trong các khu đô thị Việt Hưng, Sài Đồng, Vincom. Trong tháng 3/2014, điều chỉnh đèn tín hiệu tại nút Nguyễn Văn Linh – Việt Hưng, Vũ Văn Linh – Vũ Xuân Thiều, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, thành phố chấp thuận đề xuất của UBND Q.Long Biên về việc ứng trước ngân sách để đầu tư 2 dự án tuyến đường từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì và tuyến Cầu Bây – Thạch Bàn (trước đó đã dừng thực hiện theo hình thức BOT). Nguồn lực dành cho khớp nối hạ tầng (đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) còn được tạo thuận lợi bằng chủ trương đấu giá các ô cao tầng trong khu tái định cư Giang Biên.

Chỉ vì tâm lý "ngại sông"!

Theo những người làm nghề môi giới nhà đất lâu năm tại các quận nội đô, sức hấp dẫn đến từ các BĐS phía "bên kia cầu Chương Dương" còn hạn chế ở nhiều điểm. Đơn cử, một thửa đất (đã chuyển mục đích sử dụng) tại vị trí mặt đường Q.Long Biên, có giá từ 24-30 triệu đồng m2. Cùng giá đó, người mua sẽ chỉ có thể mua miếng đất tương tự trong ngõ, ngách sâu nếu ở địa bàn Q.Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa. Trong khi khoảng cách di chuyển từ thửa đất tại Long Biên tới hồ Hoàn Kiếm nhỏ hơn (di chuyển ít thời gian) so với từ các quận nội đô khác.

Bên cạnh đó là tâm lý ngại ngăn sông cách cầu, những người cần tìm một chốn an cư đúng nghĩa luôn đặt Q. Long Biên vào cuối danh sách săn tìm nhà đất mua để ở. Chị Lan, một cán bộ nghiên cứu ngành dầu khí nhận xét: "Sang bên kia cầu Chương Dương, cơ sở an sinh xã hội rất hạn chế, bệnh viện tuyến huyện, chỉ có 1 trường Đại học nông nghiệp, hệ thống giáo dục trung học và tiểu học hạn chế về chất lượng; giải trí mua sắm thì mới chỉ có Vincom vài năm nay, nhưng không phải ai cũng có đủ "rủng rỉnh" để vào đó. Vậy, nếu được chọn trong cùng tầm tiền, chẳng ai dại gì "lao" sang Long Biên".

Thế nên, xu hướng nhiều gia đình, cá nhân có tiền đều tìm mua đất bên Long Biên chỉ để xây biệt thự, trang trại nghỉ ngơi hoặc đầu tư xây nhà nghỉ. Ở góc độ khác, những cư dân sinh sống tại các địa bàn đông đúc như Ngọc Thụy, làng Sài Đồng… lại tỏ ra yên tâm về cuộc sống đầy đủ yếu tố chăm sóc cộng đồng trong tương lai ngắn hạn.

Anh Vĩnh, mua nhà và sống tại làng Sài Đồng từ 4 năm nay cho biết: "Đất cát bên này giờ đang lên. Tiêu biểu là Vincom Village. Cơ sở giáo dục thì đã có BVIS, WellSpring. Bệnh viện VinMec cũng không xa (qua cầu Vĩnh Tuy), hoặc có thể tới bệnh viện Đức Giang. Đó là chưa kể tới không gian xanh và hồ nước tại Q.Long Biên hoàn toàn vượt trội so với khu nội đô. Tôi tin rằng chỉ 1-2 năm nữa, Long Biên sẽ đón rất nhiều gia đình tìm tới sinh sống".

Quả thực, mức giá các BĐS có vị trí đẹp, tiện giao thông tại Q.Long Biên đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, thổ cư. Nhà hai, ba tầng trong ngõ rộng 5-7m trên đường Nguyễn Văn Cừ đang được phát giá 90-110 triệu đồng/m2. Mức giá lùi về khoảng 35 triệu đồng/m2 nếu tìm mua tại đường Nguyễn Đức Thuận (gần KĐT Đặng Xá).

So sánh với phía Tây Hà Nội, Q.Long Biên lại có ưu thế giao điểm kinh tế chiến lược: đi Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, về phía Nam đều thuận tiện. Thêm vào đó, cầu Đông Trù sắp hoàn thành (đi Nội Bài chỉ mất khoảng 20 phút). Chưa kể, mỗi khi vào mùa mưa, dân cư bên này rất ít khi bị ngập lụt. Nay lại có thêm quyết sách của Tp. Hà Nội, tương lai "lột xác" hoàn toàn cho Long Biên sắp rộng mở.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh