Không thuận mua làm sao vừa bán?

Cập nhật 25/11/2010 14:25

Chưa bao giờ thị trường nhà ở vào những tháng cuối năm lại ảm đạm như hiện nay. Giao dịch có thời điểm giảm tới 40 - 50% so với những tháng đầu năm. Những hợp đồng mua nhà dạng hợp đồng góp vốn cũng “quay lưng” với các dự án nhà ở vốn được xem là kênh đầu tư “hốt bạc”...

Chưa bao giờ thị trường nhà ở vào những tháng cuối năm lại ảm đạm như hiện nay. Giao dịch có thời điểm giảm tới 40 - 50% so với những tháng đầu năm. Những hợp đồng mua nhà dạng hợp đồng góp vốn cũng “quay lưng” với các dự án nhà ở vốn được xem là kênh đầu tư “hốt bạc”. Nhiều người cho rằng thị trường ảm đạm do cung đã đủ cầu, nhưng trên thực tế, lý do làm cho thị trường “kém vui” vẫn là chuyện giá quá cao, ngoài tầm với của nhiều người.

Người mua trầy trật


Chị Mai Đào, nhà ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, đã tranh thủ các buổi chiều từ nhiều tháng nay tìm mua nhà với giá trên dưới 1 tỷ đồng nhưng bất lực.


Thị trường nhà đất vẫn ảm đạm trong những tháng cuối năm - Ảnh Quý Hòa

"Do có con nhỏ nên hai vợ chồng tìm mua nhà gần trung tâm cho tiện. Dù đã chuẩn bị trước, nhưng cả tháng nay vẫn không tài nào tìm được", chị Đào than thở.

Khi vào các trang web rao bán nhà giá trung bình, nhấp chuột vào mục tra cứu thông tin, tiếp đó là mục đăng ký liên lạc thì thông thường sẽ gặp người môi giới chứ không phải chủ nhà. Do vậy, giá cả giao dịch có vẻ như “không thuận mua vừa bán” cho lắm.

Trong vai người đi mua nhà, người viết đã trực tiếp liên lạc với người tên Hà rao bán căn hộ tại quận 9. Người bán nhà cho hay, anh đang có lô đất D30 với diện tích 4,5x20m, giá 16,9 triệu đồng/m2. Nếu thực sự muốn mua, anh này sẽ liên hệ với gia chủ và có thể hạ chút đỉnh, chốt giá ở mức 16,5 triệu đồng/m2.

Người môi giới căn hộ thông tin thêm, cách đây hai tuần, giá rao bán tại khu nhà phố Nam Long này chỉ ở mức 14,5 triệu đồng/m2. Giá đất tại khu vực này không hề giảm dù thị trường có ảm đạm hay không.

Do vậy, nói như anh Hà thì người mua đừng hy vọng giá sẽ xuống, chỉ mong giá đất, giá nhà “neo” một thời gian cũng đã vui lắm rồi. Nói như thế vì theo anh, người Việt Nam vẫn có tâm lý giữ bất động sản (BĐS), vì là nơi trú ẩn an toàn nhất. Thế nên, nhà đầu tư cũng không lo thị trường này mất đi giá trị.

Thực vậy, ông Nguyễn Tuấn Trình, một nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm với phân khúc thị trường căn hộ trung bình, cho rằng, nếu có nhu cầu mua nhà để ở thì khách hàng mua vào thời điểm này là phù hợp, bởi giá tuy cao nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Đến khi nền kinh tế hồi phục, đà tăng của thị trường này sẽ khó có thể dự đoán được.

Người bán hụt hơi

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, cho biết, nguyên nhân của các sự việc nêu trên là do số lượng người mua quá lớn, dẫn đến tình trạng cung không bao giờ đủ cầu. Trên thực tế, nhà đầu tư không có nhiều cơ sở để giảm giá sản phẩm thêm nữa vì hiện nay các doanh nghiệp (DN) BĐS cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tại TP.HCM, hầu hết các sàn giao dịch BĐS từ tháng Mười đến nay đều có rất ít giao dịch được thực hiện thành công. Điều này dẫn đến việc chủ đầu tư các dự án đang xây dựng dở dang trở tay không kịp. Nhiều dự án BĐS chuẩn bị xin giấy phép cũng án binh bất động.

Theo ghi nhận của người viết về không khí tại các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP.HCM, chỉ các giao dịch nhà ở phân khúc trung bình thấp là có phần sôi động, bởi các dự án này người mua là đối tượng có nhu cầu thật sự.

Ông Phạm Thanh Vũ, Giám đốc Công ty Bất động sản Việt Đô (Q.10, TP.HCM), cho rằng, các dự án nhà ở dành cho người có nhu cầu thật sự chủ yếu ở phía tây TP.HCM, bởi nơi đây tập trung đông đúc đối tượng dân cư trẻ có thu nhập ngày càng tăng.

Nói doanh ngiệp BĐS gặp nhiều khó khăn quả là không sai. Vì hiện nay việc huy động vốn với các đối tượng này đang dần bị “khép cửa”. Sự kiếm lời nhanh chóng trong việc đầu tư vàng và USD vừa qua đã làm không ít người trong giới đầu tư BĐS “đá sân” sang thị trường vàng. Thêm vào đó, nguồn đất sạch dành cho các dự án gần như không còn và trước các rào cản về chính sách trong vấn đề huy động vốn, nhiều dự án đang chuẩn bị triển khai đã phải “nằm chờ”.

Một số nhà môi giới BĐS nhận định, giới đầu tư BĐS (chủ đầu tư và người mua) vốn rất ngại các rủi ro về chính sách, khi Nghị định 71 còn chưa “thử lửa” qua thời gian (tối thiểu từ 4 - 6 tháng) thì thị trường BĐS trầm lắng là tất yếu...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định, để hàng hóa bán chạy, để sản phẩm không bị lưu kho thì các doanh ngiệp phải tự lên cho mình một chiến lược kinh doanh cụ thể và phù hợp.

Với thị trường này cũng vậy, doanh ngiệp phải biết khách hàng của mình muốn gì và cần gì để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của họ. Có như thế thì hàng hóa mới bán được và thị trường cũng sẽ sôi động hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn