Không thể vội vã xây nhà Quốc hội

Cập nhật 24/09/2007 09:00

 “Tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng phải nghiên cứu kỹ...

"Tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng phải nghiên cứu kỹ, thảo luận kỹ phương án thiết kế để đồng thuận cao khi đi vào thực tế thi công, không nên vì thời gian mà vội vàng gấp rút phương án thiết kế toà nhà QH..." - Ý kiến một bạn đọc về việc xây dựng toà nhà QH.

Đọc bài "Nhà Quốc hội có thể là ngôi đình quốc gia của Thế kỉ 21" của PGS-TS Lưu Đức Hải đăng trên Tuần Việt Nam, tôi rất hài lòng về quan điểm gợi mở rất bổ ích và thú vị của bài viết. Đó là một sự cẩn trọng cần thiết, một ý tưởng có sự kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến của nước nhà cho một công trình quan trọng mang tính thời đại của đất nước chúng ta: Toà nhà quốc hội Việt Nam.

Công trình Nhà quốc hội, hay toà nhà nghị viện là công trình lịch sử quan trọng. Toà nghị viện đầu tiên được hình thành ở La Mã cổ đại. Một mặt, nó là biểu tượng của văn minh loài người, trong một xã hộiphân chia giai cấp và quản lý xã hội loài người đã hình thành. Mặt khác, nó là minh chứng cho những thành tựu vượt bậc cả về không gian kiến trúc, văn hóa.

Điển hình là toà nhà nghị viện La Mã cổ đại, được xây dựng trên cơ sở kiến trúc của các đền thờ tín ngưỡng đa thần La Mã và Hy Lạp cổ đại. Tiêu biểu của kiến trúc thời kỳ này là đền thờ Parthenon. Ngôiđền này được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Nó mang dáng vẻ tôn nghiêm và bề thế bởi những cột đá đồ sộ, sừng sững vượt thời gian. Kiến trúc nghị viện La Mã cổ đại là mực thước chung của thời kỳ này, nó có ảnh hưởng lớn tới dáng dấp kiến trúc các toà nghị viện hiện hữu khắp nơi trên thế giới sau này .

Những cột đá trong các đền thờ này tượng trưng cho Sức mạnh, Trí tuệ và Ánh sáng. Nó có ảnh hưởng tới các công trình kiến trúc văn hoá lớn của thế giới, trở thành như mực thước của kiến trúc xây dựng nhân loại. Những hàng cột ngoài chức năng đảm bảo tính bền vững, thăng bằng về kết cấu nó còn có ý nghĩa lý tưởng gắn liền với sứ mệnh của toà nhà: Đó là sức mạnh của sự bình đẳng, công bằng, khát vọng Tương lai và cường thịnh của một quốc gia và dân tộc.

Các nghị viện Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... đều thể hiện khéo léo, tinh tế và nổi bật những hàng cột mang đậm dấu ấn lịch sử, không phân biệt cách biệt về truyền thống kiến trúc văn hoá đặc thù của mỗi dân tộc.

Từ xưa đến nay, toà nhà quốc hội luôn là biểu tượng cho quyền lực của nhân dân nên mô hình kiến trúc phải tôn nghiêm từ trật tự về hình khối cấu trúc bên trong cũng như bên ngoài. Đó phải là nơi hội tụ trí tuệ kiến trúc xây dựng của cả đất nước. Do vậy, kiến trúc của toà nhà quốc hội của Việt Nam cũng không nên nằm ngoài những quy luật kiến trúc nghị viện phổ biến trên thế giới. Nhất là phải đảm bảo mặt thẩm mĩ, mục đích sử dụng, khối hình chặt chẽ, vừa có nét truyền thống, lại có nét hiện đại và đảm bảo an toàn bền vững của công trình.

Tôi đã dành bốn ngày để xem các phương án triển lãm. Tôi rất thích thú vì một số phương án đạt giải được xây dựng trên cơ sở hợp tác với nước ngoài. Đó là những phương án thể hiện sự phong phú đa dạng về ý tưởng, chất liệu, kiểu dáng và có quy mô đồ sộ. Các phương án này đã tính đến công năng phục vụ tích cực của công trình, đặc biệt là các thiết kế hệ thống hầm ngầm để đảm bảo an ninh, kỹ thuật của toà nhà. Các phương án đã giải quyết được bài toán lưu thông các phương tiện giao thông tại chỗ.

Một điều hết sức quan trọng là toà nhà Quốc hội được gắn liền với Bảo tàng bảo tồn di tích cổ vật Hoàng thành Thăng Long; có hành lang cây xanh rất đẹp. Đường Bắc Sơn được cải tạo thành Quảng trường Bắc Sơn, nơi có Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ. Tất cả gắn kết, hài hoà trong không gian chung với các công trình có giá trị lịch sử có sẵn như Lăng Hồ Chủ Tịch, trung tâm hội nghị Ba Đình.

Tuy nhiên, trong khi thi công một toà nhà độ sộ như thế, không tránh khỏi những ảnh hưởng gây xáo trộn trật tự lát cắt địa tầng di chỉ bảo tồn Hoàng Thành Thăng Long. Do vậy, cần có phương án thi công tối ưu, hạn chế mức thấp nhất sự tác động của công trình đến khu di tích lịch sử này.

Nhìn chung mười bảy phương án đều có những giải pháp riêng của mình. Nhưng tôi thấy rằng hình tượng kiến trúc bên ngoài tòa nhà vẫn chưa thật sự ấn tượng mạnh mẽ lắm. Mặc dù các kiến trúc sư đã rất cố gắng đưa những hình tượng truyền thống văn hoá của dân tộc vào kiến trúc của công trình nhưng chưa thật sự sâu sắc để thuyết phục được nhãn quan, thẩm mĩ và đi vào tâm hồn của quảng đại quần chúng. Nhất là đối với một công trình trung tâm, trọng điểm chỉ có một mà không có hai; không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn lưu truyền hậu thế mãi mãi muôn đời sau.

Mặc dù nội thất công trình và kiến trúc quy hoạch tổng thể của mô hình đạt giải A L787 rất hài hòa và gắn kết với không gian chung rất tốtnhưng nhìn từ bên ngoài, dáng dấp tổng thể của toà nhà chưa thuyết phục lắm.

Phương án thiết kế V027


Có quá nhiều mặt phẳng cứng và cột nhỏ khiến người xem có cảm giác toà nhà không được uy nghiêm và bề thế. Bởi vì những hàng cột dày đặc không làm nổi bật, không thể hiện được sức mạnh lý tưởng vốn có của nó gắn liền với công trình. Các hàng cột trở nên quá mờ nhạt và thứ yếu ngoài chức năng thăng bằng bền vững kết cấu của tòa nhà. Nó khô cứng, sắp xếp không được tinh tế.

Phương án V027 kiến trúc bên ngoài rất tốt những hàng cột sắp xếp rất ngăn nắp và chặt chẽ, phù hợp với một toà nhà trang nghiêm và mạnh mẽ .

Tôi xem một số phương án mà cảm thấy không hài lòng , vì nó “hiện đại”..đến..phản cảm.

(1)Không thể là một tòa nhà mang dáng dấp hiền lành như khu an dưỡng nghỉ ngơi hay bệnh viện, hay như công viên khu giải trí hoặc màu mè , “hoành tráng” như...khách sạn 5 sao.

(2)Lại càng không thể cách điệu , phá cách phi truyền thống kiến trúc nghị viện phổ biến, không theo một ngăn nắp, trật tự nào cả về hình khối, không thể viển vông, uỷ mị được.

Bởi vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng phải nghiên cứu kỹ, thảo luận kỹ phương án thiết kế để đồng thuận cao khi đi vào thực tế thi công, không nên vì thời gian mà vội vàng gấp rút phương án thiết kế, nếu cần thiết sẽ tổ chức thi tiếp cho phương án tối ưu và toàn diện hơn.

Tôi xin ghi nhận ý kiến của PGS - TS Lưu Đức Hải và mong rằng với các kiến trúc sư thiết kế nên tham khảo ý tưởng này làm cảm hứng chủ thể cho công trình, để toà nhà Quốc hội xứng đáng là Ngôi đình quốc gia của thế kỉ 21.

>> Phương án L787 đạt giải A cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội - vẫn chưa thỏa mãn

Theo VietNamNet