Dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu yếu. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban xây dựng của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (BQL DA HCM) tổ chức vào ngày 6/1 tại Hà Nội.
Dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu yếu. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban xây dựng của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (BQL DA HCM) tổ chức vào ngày 6/1 tại Hà Nội.
Tuyến đường Hồ Chí Minh được quy hoạch tổng thể có chiều dài là 3.167km (bao gồm tuyến chính 2.667km, tuyến phía Tây 500km), với 25 dự án thành phần chạy qua 30 tỉnh, thành từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).
Nhìn tổng thể, tiến độ thi công giai đoạn I (2000 đến 2007) đường HCM đã cơ bản hoàn thành, thông tuyến từ Hòa Lạc (tỉnh Hòa Bình) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài trên 1.350km. Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã tổ chức nghiệm thu.
Theo Ban QLDA đường HCM, tiến độ thi công quá chậm như hiện nay thì không thể thông toàn tuyến vào năm 2010 như Nghị quyết của Quốc hội. Giai đoạn II đường HCM (2007 đến 2010) có 18 dự án thành phần đang triển khai xây dựng, tổ chức thiết kế kỹ thuật hoặc đấu thầu; gần chục dự án thành phần khác đang lập dự toán đầu tư; 3 dự án từ giai đoạn I chuyển sang.
Đáng chú ý, các dự án dự kiến hoàn thành trước năm 2010 cũng đang gặp khó khăn vướng mắc vì thiếu mặt bằng, không cung ứng đủ vật liệu hoặc năng lực nhà thầu yếu. Không ít dự án triển khai 3 năm mới xong mặt bằng, như DA mở rộng đoạn qua thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước); đoạn mở rộng quốc lộ (QL) 14 và QL28 thuộc thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông)...
Ngoài các nguyên nhân trên, tình hình biến động giá cả từ năm 2007 đến nay khiến các nhà thầu có tâm lý chờ Chính phủ điều chỉnh giá vật tư vì lợi ích cục bộ. Các yếu tố địa chất phức tạp ở nhiều khu vực, bão lũ bất thường… cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, tiến độ chậm còn vì năng lực tài chính của khá nhiều nhà thầu yếu. Khi bước vào thi công, điều này đã bộc lộ khi nhiều nhà thầu có số nợ lớn, nợ dây dưa kéo dài. Do đó, Ban QLDA đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền rà soát lại các nhà thầu, nếu đơn vị nào thực sự không đảm đương được tiến độ thì phải thay đổi.
Theo các chuyên gia, ngoài tháo gỡ mặt bằng thi công, dự án cần điều chỉnh thiết kế 1 số hợp phần cho đường HCM kết nối phù hợp với QL1A, giữa các đường xương cá của tuyến với các khu công nghiệp, các khu dịch vụ phụ trợ mới đem lại hiệu quả lớn của công trình.
Nhận định thời gian hoàn thành con đường, theo Ban QLDA, ít nhất phải đến năm 2013 mới thông toàn tuyến nếu như bố trí đủ vốn. Được biết, tổng mức đầu tư các dự án giai đoạn II là trên 30.856 tỷ đồng (trong đó không bao hàm mức đầu tư đoạn Cam Lộ - Tuý Loan, các cầu Cao Lãnh, Vòm Cống) và hiện nay dự án mới được bố trí trên 5.600 tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia