Không thể đổi đất lấy sân golf bằng mọi giá!

Cập nhật 18/01/2008 14:00

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, trao đổi với Báo giới xung quanh phong...

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, trao đổi với Báo giới xung quanh phong trào xây sân golf ồ ạt tại Việt Nam.

* Ông đánh giá ra sao việc các địa phương cấp phép cho nhiều dự án sân golf mà không quy hoạch lâu dài và cân nhắc về tác động của nó, dẫn đến tình trạng sân golf mọc lên khắp nơi như hiện nay?

Ông Đặng Hùng Võ: Trách nhiệm cụ thể của việc ra quyết định giao đất và cho thuê đất (cho dự án golf) thuộc các UBND cấp tỉnh nhưng việc quy hoạch lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ cho nên tất cả các dạng đất giao cho lĩnh vực thể dục - thể thao, đặc biệt cho sân golf, vẫn thuộc thẩm quyền quyết định quy hoạch của Chính phủ. Trách nhiệm thẩm định và trình thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Về mặt đất đai liên quan đến các dự án sân golf, chúng ta thấy có mấy vấn đề đang nổi cộm. Thứ nhất là số lượng sân golf quá nhiều, không chỉ riêng Long An, mặc dù tỉnh này là một ví dụ điển hình cho tình hình “loạn” sân golf hiện nay. Phú Quốc là điển hình thứ hai cho tình trạng này, trong phê duyệt quy hoạch của Phú Quốc có đến bốn sân golf.

Tôi cho rằng, một tỉnh có một sân golf cũng vẫn cần phải cân nhắc và chưa chắc đã là cần thiết, huống hồ có nhiều tỉnh có đến bốn sân. Đến một lúc nào đó, nhìn lại, chúng ta sẽ thấy đó là sự lãng phí rất lớn về đất đai.

*Thế còn việc nhà đầu tư xin cấp phép xây sân golf nhưng lợi dụng kẽ hở về quy định ưu đãi về giá cho thuê đất để lách luật, như chuyển đổi mục đích sử dụng đất để kinh doanh, thưa ông?

Đó là vấn đề thứ hai mà tôi muốn đề cập. Trong phần đất của sân golf thường xen kẽ nhiều loại đất và có nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở đất sân golf dành cho thể thao, được ưu đãi về giá thuê để kinh doanh các loại dịch vụ cao cấp khác thu phí rất cao, như khách sạn, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí…

Theo quy định của Bộ Tài chính, tất cả đất cho thuê sử dụng để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí… đều phải thu tiền theo đúng giá thị trường. Trách nhiệm để “lọt lưới” trong trường hợp này, kể cả về tài chính, thuộc về cấp tỉnh.

Hai vấn đề, lãng phí đất và sử dụng đất sai mục đích, trong các dự án sân golf, là điều mà Nhà nước cần giải quyết.

* Phân quyền cho địa phương càng nhiều thì càng phải giám sát chặt chẽ. Để giám sát quá trình thực thi, Nhà nước phải cải thiện điều gì?

Cấp phép cho một dự án có sử dụng đất thì chắc chắn phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Việc giám sát các địa phương có hai công cụ. Một là, ở cấp Trung ương các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phải rà soát chặt chẽ để báo cáo lên Chính phủ, trong đó phải đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, phù hợp, khả thi.

Tiếp theo là kiểm tra thực thi quy hoạch cũng thuộc thẩm quyền Trung ương. Nếu Trung ương giám sát cụ thể, thường xuyên, có chế tài và nhắc nhở địa phương thì tôi cho rằng chúng ta có thể quản lý được. Nhưng cũng phải thừa nhận, công việc này chúng ta thực hiện còn yếu nên vẫn để lọt lưới nhiều vụ việc ở địa phương. Trong trường hợp này, 50% trách nhiệm là của Trung ương. Phân cấp bao giờ cũng có hai vế, chúng ta phân cấp mạnh nhưng kiểm tra còn yếu.

Theo TBKTSG