Không thể bỏ mặc, không để rơi tự do

Cập nhật 03/04/2013 09:56

Khi thị trường này khó khăn, Nhà nước không thể bỏ mặc, càng không thể để nó rơi tự do hay tự phát triển.

Khi thị trường này khó khăn, Nhà nước không thể bỏ mặc, càng không thể để nó rơi tự do hay tự phát triển.

Trước những tranh luận về "giải cứu" hay để “rơi tự do” thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng “sự đóng băng của thị trường đã dạy cho doanh nghiệp, giới đầu cơ, người mua nhà và cả cơ quan quản lý một bài học. Song BĐS là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng và có tính liên thông với nhiều thị trường khác nhất là tài chính. Do đó khi thị trường này khó khăn, Nhà nước không thể bỏ mặc, càng không thể để nó rơi tự do hay tự phát triển”.

Thứ trưởng Nam khẳng định: Với thị trường BĐS, bàn tay quản lý của nhà nước cần phải sâu hơn các ngành nghề khác, vì đây là hàng hóa đặc biệt.

Thứ nhất, bất động sản là thị trường có tính liên thông rất cao với các thị trường khác. Thứ hai, trong bất động sản thì đất đai là nguồn lực tài nguyên của quốc gia quý giá không tái tạo được. Thứ ba, nó là giá trị tài sản rất lớn của quốc gia cũng như người dân. Tiền đổ vào đây rất nhiều, vật liệu xây dựng sắt thép, xi măng…đổ vào đây rất nhiều. Thứ tư, nó là bộ mặt quốc gia, vì bất động sản thể hiện qua đô thị, sân bay, bến cảng… thì nó là to đẹp, bền vững hay nhem nhuốc phụ thuộc vào bộ mặt này. Thứ năm, nó mang tính cộng đồng rất lớn, bất động sản không thể chỉ riêng một người nào, nó của anh nhưng nó lại là hình ảnh trong mắt rất nhiều người.


Bài học khủng hoảng ở các nước tư bản đã cho thấy, nếu Nhà nước bỏ mặc thị trường thì hệ lụy sẽ khôn lường, không chỉ Nhà nước thiệt, mà cả nền kinh tế trong đó có doanh nghiệp và người dân đều thiệt hại. Nếu để khủng hoảng xảy ra và xóa đi làm lại thì mất mát cho cả xã hội là vô cùng lớn, và mất nhiều thời gian, tiền của để khôi phục.

“Quan điểm của Nhà nước là sẽ quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, tuy nhiên không phải là “giải cứu đại gia” mà là hỗ trợ khai thông thị trường, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ người dân. Cái chính ở đây không phải là đổ một khối tiền ra giải cứu, mà là đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để thị trường phục hồi và phát triển thuận lợi”, ông Nam nói.

Ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Him Lam Thủ đô nhận định, gói tín dụng mà NHNN dự định sẽ bơm ra cho BĐS là một tín hiệu tích cực cho thị trường trong bối cảnh hiện nay. Song ông cũng cho rằng,gói tín dụng này cũng chỉ nhằm vào một phân khúc nhất định, mà phân khúc này thì hiện nay không phải là hàng ế. Thông tư này chưa giải quyết được toàn diện vấn đề tháo gỡ cho thị trường BĐS, bởi tháo gỡ cho BĐS hiện nay chính là giải quyết được hàng tồn và nợ xấu. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó cũng sẽ làm cho thị trường tiếp tục hoạt động, sẽ kéo theo một loạt các ngành nghề liên quan khác tiếp tục duy trì.

“Sự chuyển động ở một phân khúc sẽ truyền “hơi ấm” tới những phân khúc khác, các đối tượng mua khác”, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành nói. Tuy vậy, ông Nghĩa cũng cảnh báo thêm: “Cần xác định, Chính phủ không cứu các đại gia BĐS. Vì vậy, doanh nghiệp không nên nhân cơ hội nhà nước ra tay hỗ trợ thị trường, lại tiếp tục neo giá, tăng giá”.

Nhìn chung, với quan điểm khi người dân được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp bán được hàng, khai thông được đầu ra, sẽ giảm được nợ xấu, hầu hết các doanh nghiệp đều có tâm trạng lạc quan như ông Nghĩa. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan như vật liệu xây dựng cũng hy vọng sẽ giải phóng được hàng, trả lại công ăn việc làm cho người lao động. Có việc làm, có chi tiêu, sức mua trên thị trường nói chung sẽ khả quan hơn. Sự lạc quan đang đặt cả vào sự vận động của dòng tiền nghìn tỷ đồng của gói hỗ trợ này.


Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành thì cho rằng, việc đưa ra 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho cán bộ công chức mua nhà trong thời điểm này là hợp lý nhất. Hiện nay thực tế người mua nhà vẫn phải vay ngân hàng lãi suất 17-18%. Như vậy làm sao công chức, người thu nhập thấp dám vay tiền mua nhà.

Tôi không ủng hộ việc hỗ trợ cho DN bất động sản mà chỉ nên hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà. Mặt khác, cần có cái nhìn toàn diện với chính sách mà Chính phủ ban hành. Cần phải hiểu ở đây không phải cứu bất động sản mà giải quyết bài toán lớn là giúp dòng vốn của nền kinh tế lưu thông trở lại. Đầu tiên đi từ nợ xấu mà phần lớn đang nằm trong bất động sản với một lượng tồn kho khổng lồ để khơi thông cho cả nền kinh tế”, ông Đực nhận định.

“ Về gói hỗ trợ thị trường 30 nghìn tỷ, Thứ tưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất cần phân bổ 2/3 số vốn này cho người mua nhà để thúc đẩy giao dịch, giúp người dân mua được nhà và doanh nghiệp cũng bán được hàng. Chỉ 1/3 còn lại nên dành cho doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm và tạo nguồn cung mới. Để người dân yên tâm và tin tưởng vay vốn, cần chọn phương án rõ ràng hơn: hoặc là duy trì lãi suất 6% trong tối thiểu 10 năm, hoặc lãi suất 6% trong 3 năm đầu, sau đó điều chỉnh nhưng ở mức bằng 50% so với lãi vay thương mại trên thị trường. ”


DiaOcOnline.vn - Theo VEF