Không nên lấy “đất vàng” làm sân golf

Cập nhật 30/07/2009 08:25

10 năm trước chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ về sân golf nên nay xem xét lại cũng là cần thiết. Bởi chủ trương này không phải là tiền lệ, thành phố đã từng dừng lại dự án bãi đậu xe ngầm tại công trường Lam Sơn...

Ngay sau Báo SGGP đăng bài “Sân golf An Phú vì sao chậm trễ”, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM thông báo ngay với phóng viên: “Vừa mới có gần 40 cử tri là những người có đất trong dự án đã gặp tôi, họ vô cùng bức xúc với giá đền bù như vậy. Ngay sau đó tôi đã đến dự án và thấy rằng, có nhiều vấn đề cần phải xem xét”.

* Thưa ông, vấn đề cần phải xem xét đối với dự án sân golf này là gì?

Theo tài liệu tôi có được, đây là dự án của một khu liên hợp đã có từ rất lâu, gần 10 năm rồi. Một dự án triển khai quá chậm trễ. Dựa theo quy định của Luật Đất đai, dự án quá 12 tháng không triển khai thì đã đưa vào diện xem xét thu hồi rồi. Có nhiều vấn đề của chủ đầu tư cần xem xét như năng lực, tài chính… nhưng hiện nay nổi trội lên nhất chính là vấn đề đền bù. Với mức đền bù chỉ trên dưới 300 ngàn đồng/m2 thì tôi cho rằng không thỏa đáng, việc phản ứng của bà con là hoàn toàn dễ hiểu. Đây là một dự án kinh doanh địa ốc đơn thuần, do đó phải có sự gặp nhau trên tinh thần thỏa thuận.

* Trong dự án, phần diện tích dành cho sân golf có đến 100ha. Đây là con số quá lớn, khu đất lại nằm sát trung tâm thành phố, mà cũng cách không xa sân golf Tân Sơn Nhất và sân golf Thủ Đức. Phải chăng có cần xem xét về mặt quy hoạch để cân nhắc có tiếp tục làm sân golf hay không hoặc phải dành đất cho trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội - những vấn đề hết sức cần thiết cho thành phố?

10 năm trước chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ về sân golf nên nay xem xét lại cũng là cần thiết. Bởi chủ trương này không phải là tiền lệ, thành phố đã từng dừng lại dự án bãi đậu xe ngầm tại công trường Lam Sơn sau lưng Nhà hát thành phố vì không còn phù hợp, mặc dù chủ đầu tư đã có đầu tư trước đó. Sân golf này cũng vậy, cần phải xem xét lại toàn diện, bởi đó là quỹ đất rất lớn, rất cần cho nhiều dự án cấp bách của thành phố. Nhất là cho đến nay, nhà đầu tư chưa có đầu tư gì đáng kể. Nếu các nhà hoạch định chính sách đã nghiên cứu kỹ, thấy rằng sân golf không còn cần thiết thì nên dừng lại.

* Thưa ông, tính đến thời điểm này thành phố còn 7 sân golf, theo ông nhiều hay ít?

7 sân golf đã cấp phép, đó là một sự tồn tại của lịch sử. Theo tôi, con số này vẫn còn nhiều, bởi các sân golf đi vào hoạt động, thành phố có thu được tiền thì cũng không đáng kể. Thành phố đất đã quá chật, dân lại đông đúc, rồi sẽ còn đông nữa. So với nhiều nước, chúng ta rất thiếu những khoảng không gian xanh, công cộng dành cho trẻ em, người già và thanh niên… Sân golf không phải là công trình công cộng, do đó thành phố nên ít sân golf cũng là phù hợp, không nên lấy “đất vàng” làm sân golf. Vả lại việc giảm số lượng và diện tích sân golf ở TPHCM sẽ không ảnh hưởng đến phát triển, bởi các tỉnh bạn kế cận thành phố có quá nhiều sân golf. Đây cũng là lúc mà thành phố nên kiểm tra kỹ, những dự án sân golf triển khai chậm, vi phạm pháp luật về đất đai thì thu hồi ngay.

* Xin cảm ơn ông!

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng