Đã có ít nhất 3 dự án được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM yêu cầu chuyển vị trí xa khu trung tâm hoặc phải đánh giá tác động giao thông trước khi duyệt đầu tư.
Với một ít công nhân thi công cao ốc ở góc Ba Tháng Hai-Lê Đại Hành mà giao thông đã... “mệt”. Thử tưởng tượng vào giờ cao điểm, lượng người trong cao ốc túa ra thì giao thông sẽ ra sao? Ảnh: MP. |
Đã có ít nhất 3 dự án được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM yêu cầu chuyển vị trí xa khu trung tâm hoặc phải đánh giá tác động giao thông trước khi duyệt đầu tư.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM yêu cầu một doanh nghiệp dự định xây một cao ốc trên đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 phải đánh giá tác động giao thông của công trình để có cơ sở phê duyệt quy mô phù hợp. Đây cũng là lần đầu tiên trên cả nước có yêu cầu đánh giá tác động giao thông để “chữa cháy” chuyện ùn tắc giao thông.
Bắt đầu hết thả nổi cấp phép
Lô đất dự định xây cao ốc mà Sở GTVT đề nghị đánh giá tác động giao thông rộng hơn 20.000 m2, được nhà đầu tư đề nghị xây thành trung tâm thương mại dịch vụ từ 20 đến 25 tầng. Nhưng theo Sở GTVT, nếu xây theo quy mô trên sẽ làm gia tăng đáng kể mật độ phương tiện giao thông.
Một trường hợp hiếm hoi khác là việc TP “lừng khừng” cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trung tâm thương mại Lotte số 2 tại 940B đường Ba Tháng Hai, quận 11. Theo quy hoạch của TP.HCM đến năm 2010 thì vị trí này phù hợp để xây dựng trung tâm thương mại. Công ty TNHH thương mại Lotte Việt Nam đã xin phép thành lập tổ hợp trung tâm thương mại-dịch vụ-văn phòng, căn hộ cao cấp với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Nhưng theo UBND TP, hiện cơ sở hạ tầng ở khu vực chưa hoàn chỉnh nên không thích hợp để đầu tư trong giai đoạn này, đồng thời phải tính đến các tác động đến giao thông. Sở GTVT cũng cho rằng việc thành lập trung tâm thương mại tại giao lộ Ba Tháng Hai-Lê Đại Hành-Phó Cơ Điều-Lãnh Binh Thăng vốn đang có mật độ giao thông cao, thường xuyên ùn tắc sẽ làm giao thông thêm phức tạp.
Cũng trong tháng 10-2009, Sở GTVT đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một chủ đầu tư tìm vị trí khác ở ngoại thành để đầu tư nhằm hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, thay vì mở trường tại 257 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình.
Buộc đánh giá tác động giao thông
Báo cáo của các nhà đầu tư khi lập dự án xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại đều phân tích những thuận lợi mang về cho họ nhưng không đề cập những tác động xấu đến giao thông.
Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho rằng: “Trước khi cấp phép xây dựng, các cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động giao thông của công trình để cấp phép. Các chủ đầu tư phải đảm bảo giao thông tĩnh của cao ốc có phương án đấu nối với hạ tầng giao thông hiện hữu”.
Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Chủ nhiệm khoa Xây dựng cầu đường Trường đại học Tôn Đức Thắng, tính toán: Cao ốc 138-142 Hai Bà Trưng đang xây dựng cao 21 tầng (kể cả tầng lửng, tầng hầm) có tổng diện tích sàn là 27.000 m2. Như vậy, bãi đậu xe có diện tích gấp đôi diện tích của lô đất (khoảng 3.000 m2) mới đủ đáp ứng nhu cầu. Nhưng nếu chỉ yêu cầu có đủ diện tích giữ xe thì vẫn chưa đủ vì tương ứng với diện tích sàn xây dựng ấy sẽ làm phát sinh cả ngàn hành trình đi lại mỗi ngày. “Cứ đà phát triển cao ốc như thế thì lấy đâu ra đường để đi nữa?”.
Theo ông Vinh, đã đến lúc các sở GTVT, Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc và các bộ phận liên quan cần phối hợp trong việc xây dựng, chỉnh trang và phát triển các khu vực trong TP.
“Có lợi nhuận thì phải có trách nhiệm”
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hiển (Trường đại học Giao thông Vận tải), tác giả đề xuất đánh giá tác động giao thông lý giải: Việc đánh giá tác động là dựa trên cơ sở các dữ liệu liên quan đến cao ốc, trung tâm thương mại như diện tích, mục đích sử dụng... để tính toán khi cao ốc đưa vào khai thác thì sẽ có những tuyến đường nào bị ảnh hưởng, mức độ ra sao... để dự báo bức tranh giao thông trong tương lai. Điều này giúp xác định được cụ thể vùng bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng. Từ đó, chính quyền đưa ra quyết định chấp nhận hay không việc cho xây cao ốc.
Cũng có ý kiến cho rằng nhà đầu tư phải bỏ tiền mua đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác giúp TP có nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng và góp phần chỉnh trang đô thị. Do đó, đề xuất “giao kèm” cho họ trách nhiệm giải quyết giao thông có vẻ không thỏa đáng.
Ông Hiển nói: “Nhà đầu tư thu lợi từ việc đầu tư cao ốc nhưng gây xung đột với lợi ích chung - tạo ách tắc giao thông thì cho dù tốn kém họ cũng phải có trách nhiệm cùng tham gia làm giảm thiểu xung đột ấy. Trong thực tế, có lẽ không dự án nào làm hài lòng mọi người nhưng khi có những xung đột giữa lợi nhuận về kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội... thì cần có thỏa thuận giữa nhà đầu tư và chính quyền TP dựa trên tổng thể cân bằng lợi ích giữa các bên để đưa ra chính sách thỏa hiệp”.
Hút thêm người vào trung tâm
Theo Lao Động (tháng 10-2008) ngay cả với việc kinh doanh căn hộ chung cư ở những khu vực không thuận tiện, lợi nhuận kiếm được thường đã không dưới 100%. Nếu kinh doanh căn hộ chung cư cao trên 15 tầng, có giá bán trên 1.000 USD/m2 thì lợi nhuận không dưới 300%. Thậm chí có nhiều dự án bán hàng trong thời điểm đầu năm 2008 có mức lợi nhuận ước tính lên đến 500%.
Tháng 3-2009, trên trang web sandaugia247.com có dẫn lời rao hợp tác đầu tư cao ốc văn phòng tại khu trung tâm, khẳng định: Chỉ mất tám năm để lấy lại vốn, 12 năm còn lại sẽ bắt đầu chia lợi nhuận.
Trong khi TP đang có chính sách giãn dân khu trung tâm thì một số cao ốc chẳng những cho thuê văn phòng mà còn thu hút dân tập trung vào khu vực này. Chẳng hạn, T.S Officetel được quảng cáo rằng đây là dạng văn phòng kết hợp với căn hộ ở cho thuê tại trung tâm TP. “Khách hàng thuê tại đây được biến thành “công dân” của trung tâm TP”.
Hay cao ốc H. tọa lạc tại đường Hai Bà Trưng, chỉ cách nhà thờ Đức Bà năm phút chạy xe cũng là dự án khu căn hộ cho thuê.
Tại đường Bến Chương Dương, quận 1, cao ốc CG là một tổ hợp ba tòa nhà, mỗi tòa nhà 22 tầng với 380 căn hộ.
>Giao thông TP.HCM “chết ngạt” bởi cao ốc
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP