Không điều chỉnh phù hợp, thất bại khó tránh

Cập nhật 11/09/2013 10:37

Bộ Xây dựng nói cần thời gian để gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay mua và xây dựng nhà ở phát huy hiệu quả, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm thay đổi, nguy cơ gói hỗ trợ này thất bại là điều khó tránh.

 Bộ Xây dựng nói cần thời gian để gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay mua và xây dựng nhà ở phát huy hiệu quả, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm thay đổi, nguy cơ gói hỗ trợ này thất bại là điều khó tránh.

Gói 30.000 tỷ đồng khó đạt kỳ vọng. Ảnh: Lê Hữu Việt.

Thủ tục nhiêu khê, người dân nản

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hết tháng 8/2013 (3 tháng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng), có 331 khách hàng là cá nhân được cam kết cho vay, 305 khách hàng được giải ngân; 3 doanh nghiệp được xác nhận cho vay số tiền 708 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tiến độ giải ngân trên, theo nhiều chuyên gia là chậm. Nếu tiếp tục tình trạng trên, mục tiêu lan tỏa, làm ấm thị trường bất động sản (BĐS) khả năng khó thực hiện được.

"Phải điều chỉnh cách tiếp cận với người thu nhập thấp, nếu không thất bại của gói 30.000 tỷ là khó tránh".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi La

Chủ một doanh nghiệp BĐS lớn tại TPHCM cho rằng, việc Bộ Xây dựng đưa ra điều kiện chỉ căn hộ giá dưới 15 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT 10% và 2% phí bảo trì), mới được hỗ trợ lãi suất là thiếu khả thi; không công bằng với người dân Hà Nội và TPHCM. "Mức giá này quá thấp, hiếm có doanh nghiệp nào ở Hà Nội và TPHCM làm được. Bởi vì, chi phí xây dựng, tiền sử dụng đất cao, thủ tục kéo dài khiến giá bán nhà đội lên. Trong khi ở Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng… mọi chi phí đều thấp, nên giá chắc chắn rẻ hơn. Như vậy, người dân các tỉnh sẽ dễ tiếp cận gói hỗ trợ hơn ở Hà Nội và TPHCM", ông phân tích.

Trong cuộc họp cuối tháng 8 vừa qua, khi nói về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng còn chậm và có nhiều vướng mắc, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói: "Gói tín dụng này không phải để cứu BĐS, mà để tăng cầu về kinh tế, giúp người thu nhập thấp có nhà ở. Do đó, không thể giải ngân nhanh mà phải từ từ, đúng đối tượng. Trong năm nay, cố gắng giải ngân được 5.000 tỷ đồng là đáp ứng yêu cầu".

Đồng tình với Bộ trưởng Dũng, ông Nguyễn Viết Mạnh nói thêm, việc giải ngân chậm vì hiện nay số lượng nhà ở xã hội và nhà giá thấp (dưới 15 triệu đồng/m2 - PV) quá ít. Khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng các doanh nghiệp mới bắt đầu đẩy mạnh làm. "Hiện có các luồng ý kiến đưa ra đánh giá tác dụng của gói hỗ trợ. Người nói có tác dụng, người bảo không, đấy là tùy góc độ nhìn nhận của từng người", ông Mạnh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã làm cho thị trường BĐS chuyển động. Bắt đầu có dự án mới để đón đầu gói hỗ trợ. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân rất chậm, tắc ngay từ đầu. Thủ tục vay vốn nhiều vướng mắc, phiền hà như tài sản thế chấp, chứng minh nguồn thu nhập, khả năng trả nợ... làm người dân mất thời gian, chán nản. Theo ông Thành, quy định của ngân hàng phải được thay đổi mới hy vọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo tác dụng lan tỏa cho gói 30.000 tỷ đồng.

Không điều chỉnh sẽ thất bại?

Trao đổi với PV, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) đánh giá, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng quá chậm nên chưa phát huy tác dụng. Lý do, theo ông Lịch, Bộ Xây dựng đưa ra Thông tư 07 (Hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ) là một bộ thủ tục hành chính nhiêu khê, một mê hồn trận về thủ tục, người dân rất khó để đáp ứng.

"Quản lý hiện nay chúng ta quen cách nghĩ là ai cũng gian dối, nên để ngăn người gian dối đã làm người trung thực khổ sở", ông Lịch nói. Theo ông, nên đơn giản thủ tục, vì người dân có vay, có trả. Đặc biệt tránh dòng vốn từ gói hỗ trợ chảy vào doanh nghiệp, rồi xây nhà tràn lan không theo nhu cầu, có thể dẫn tới khủng hoảng thừa nhà ở xã hội (trong khi đang thừa nhà thương mại).

"Nếu không sửa đổi Thông tư 07, gói hỗ trợ sẽ tiếp tục khó triển khai; khó tránh nguy cơ không đạt được mục tiêu đề ra", ông Lịch cảnh báo.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, gói 30.000 tỷ đồng nhân danh người nghèo, đối tượng chính sách, nhưng thực tế cho thấy thủ tục vay không dễ, quá tầm với đa số người thu nhập thấp. "Đã thu nhập thấp được mấy người tiết kiệm mỗi tháng vài triệu để trả nợ vay. Trong khi nhu cầu thật của họ là thuê nhà dài hạn không ai nói tới; không có nhà cho thuê, tại sao phải hỗ trợ để họ sở hữu nhà?", bà Chi Lan nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế này, Nhà nước không cần thiết phải hỗ trợ vốn ưu đãi cho doanh nghiệp BĐS, kể cả làm nhà xã hội. Để doanh nghiệp tự vận động, họ sẽ tự biết đầu tư sao cho có lợi nhất theo nhu cầu của thị trường. Tránh tình trạng như năm 2009-2010, khi gói kích thích kinh tế được cho doanh nghiệp vay quá dễ, dẫn tới đầu tư tràn lan vào BĐS, gây khủng hoảng thừa nhà ở thương mại hiện nay.

"Phải điều chỉnh cách tiếp cận với người thu nhập thấp, nếu không thất bại của gói 30.000 tỷ là khó tránh. Dù Bộ Xây dựng nói có thể phải 1- 2 năm nữa mới thấy hiệu quả, nhưng nếu kinh tế chưa được cải thiện, chính sách cho vay không thay đổi thì hiệu quả từ gói này vẫn như hiện nay", bà Chi Lan nhận định. Theo bà, nếu thấy gói hỗ trợ không như kỳ vọng có thể dừng triển khai, chuyển vốn sang các ngành khác đang cần, như dệt may, nông nghiệp… những ngành nhiều khó khăn, cần hỗ trợ nhưng ngân sách không có.

 
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong