Theo Thông tư 11 của Ngân hàng (NH) Nhà nước quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở có hiệu lực từ ngày 1-6, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng sẽ dành 70% cho người vay mua nhà và 30% cho doanh nghiệp (DN) là chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố.
Theo Thông tư 11 của Ngân hàng (NH) Nhà nước quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở có hiệu lực từ ngày 1-6, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng sẽ dành 70% cho người vay mua nhà và 30% cho doanh nghiệp (DN) là chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố.
Sưởi ấm thị trường
Nhận xét về gói 30.000 tỉ đồng, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành (TPHCM), cho rằng 21.000 tỉ đồng (70% giá trị gói tín dụng) dành cho khách hàng vay mua nhà là hoàn toàn phù hợp. Với căn hộ giá khoảng 1 tỉ đồng, khách hàng vay 500 triệu đồng với lãi suất 6%/năm (mức ưu đãi theo quy định của Nhà nước), trung bình mỗi tháng sẽ trả khoảng 6,5 triệu đồng cả gốc và lãi vay. Khi đó, số lượng căn hộ tương ứng cho khách hàng mua nhà là 40.000 căn. Số căn hộ này sẽ là cú hích cho thị trường, kích thích ngành vật liệu xây dựng hồi phục, tạo việc làm để phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Khi phân khúc này sôi động sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa sang những phân khúc khác, giúp khởi sắc thị trường trong thời gian tới. “Quan trọng hơn, gói hỗ trợ giúp người mua, nhà đầu tư và cả chủ đầu tư xóa bỏ tâm lý chờ đợi bởi nếu anh không mua để được hỗ trợ thì sẽ có người khác vào mua trước” - ông Nghĩa nhìn nhận.
Chung cư 584 tại huyện Bình Chánh - TPHCM do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 làm chủ đầu tư xin chuyển sang nhà ở xã hội. Ảnh: TẤN THẠNH
|
Vẫn xa tầm tay người thu nhập thấp
Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, những người thu nhập thấp chắc chắn sẽ không vội mua nhà bởi còn phải tính toán kỹ về giá thành, vị trí dự án, tiến độ bàn giao… Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng thực chất gói tín dụng này dành cho người có thu nhập khá, trung lưu chứ người nghèo, thu nhập thấp khó lòng mua nổi. “Một căn hộ diện tích từ 45 - 70 m² , giá 15 triệu đồng/m² sẽ có tổng giá từ 675 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng. Với mức này, một hộ gia đình phải có thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên mới trả nổi gốc và lãi. Trong khi nếu căn hộ diện tích 25 - 30 m² , giá bán từ 450 triệu đồng/căn, người thu nhập thấp có trước 200 triệu đồng và nay vay thêm trong gói hỗ trợ 250 triệu đồng mới có thể trả nổi gốc và lãi hằng tháng” - ông Đực tính toán.
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ giúp người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở nhưng không nhằm giải cứu thị trường bất động sản. Vấn đề là phải làm thế nào để đồng tiền được rót đúng chỗ
Ai được vay vốn?
Theo Thông tư 07/2013 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 1-6), đối tượng được vay vốn để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội và đối tượng được vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m² , giá bán dưới 15 triệu đồng/m² gồm: cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân. Đối tượng thu nhập thấp là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, DN thuộc các thành phần kinh tế, người đã được nghỉ lao động theo chế độ, lao động tự do, kinh doanh cá thể. Để được vay vốn, các đối tượng phải có hợp đồng thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật (tính từ ngày 7-1 khi ban hành Nghị quyết 02).
Với trường hợp mua nhà ở thương mại, điều kiện được siết chặt hơn: Người dân phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở; đối với trường hợp tạm trú phải đóng BHXH từ 1 năm trở lên. Ngoài ra, đối tượng vay vốn phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội: diện tích nhà ở bình quân thấp hơn 8 m² sử dụng/người…