Không còn đất cho dự án đầu tư "vốn trên trời”

Cập nhật 13/04/2014 08:50

Với Luật Đầu tư sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ có các quy định quản lý đối với các dự án đầu tư “vốn trên trời”, vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận gấp nhiều lần giá trị đầu tư thực tế.

Với Luật Đầu tư sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ có các quy định quản lý đối với các dự án đầu tư “vốn trên trời”, vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận gấp nhiều lần giá trị đầu tư thực tế.   

Luật Đầu tư: 8 năm, 1 vướng mắc

Sau 8 năm thi hành, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư đã bộ lộ 5 nhóm hạn chế, trong đó có việc một số quy định về điều kiện, thủ tục, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa bảo đảm tính minh bạch và khả thi.

“Những biện pháp bảo đảm đầu tư chưa được cập nhật và phản ánh đầy đủ cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế, trong đó có cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong Luật Đầu tư hiện hành”, ông Dũng cho biết.

Chính những hạn chế nêu trên, đã làm cho môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nước trong khu vực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

“Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, so với một số nước trong khu vực thì hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính của nước ta vẫn chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, trong đó có Luật Đầu tư để thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện cam kết quốc tế về tự do hóa đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.


Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, hầu hết các đại biểu tham dự Phiên họp thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra vào sáng nay (12/4) đều thống nhất cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư với kỳ vọng, Luật Đầu tư sửa đổi, cùng với Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo bước chuyển biến  mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện hoạt động đầu tư gắn liền với đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư; góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện dự án với thủ tục đơn giản hơn, chi phí thấp hơn.

Ngoài kỳ vọng “tạo luồng gió mới” cho hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các đại biểu Quốc hội còn kỳ vọng, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi, đặc biệt là tình trạng đầu tư ảo, chuyển giá nhằm giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước.

“Có thực tế là chúng ta không kiểm soát được số vốn thực tế mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ vào dự án. Có những dự án chỉ cần đầu tư 50 triệu USD là đủ, nhưng nhà đầu tư nước ngoài lập dự án với số vốn lên tới cả trăm triệu USD, chúng ta chấp nhận đã dẫn đến hệ quả làm giảm hiệu quả của dự án do suất đầu tư quá lớn, ngân sách không thu được thuế do chi phí khấu hao lớn hơn thực tế. Chính điều này khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 60-70%) lỗ giả-lãi thật”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng minh chứng.

Không phủ nhận sau gần 3 thập kỷ mở cửa, thu hút vốn FDI, khu vực doanh nghiệp có vốn FDI góp phần quan trọng trong việc thu hút lao động, giải quyết công ăn việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhưng Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Mai Xuân Hùng cho rằng: “Đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước không được như mong đợi”.

“Chúng ta sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với “kim chỉ nam” là doanh nghiệp được đầu tư vào bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào mà pháp luật không cấm. Nhưng nếu chúng ta không có cơ chế quản lý, chế tài xử lý thì khó có thể hạn chế được tình trạng vốn ảo, đầu tư phá vỡ quy hoạch”, ông Hùng phát biểu

Theo ông Hùng, tư duy thu hút đầu tư bây giờ không phải là “thu hút bằng mọi giá”. Vì vậy, một mặt phải có cơ chế quản lý, giám sát đối với những doanh nghiệp đầu tư chỉ nhằm mục đích trục lợi, mặt khác phải có cơ chế, khuyến khích nhà đầu tư có năng lực bỏ vốn vào những ngành nghề, lĩnh vực cần khuyến khích để phát triển kinh tế - xã hội”.

Dẫn chứng việc quản lý đầu tư kém hiệu quả, bị lợi dụng, ông Mai Xuân Hùng lấy ví dụ: “Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower là ví dụ sống động về tình trạng này. Chúng ta hãy đặt câu hỏi, nhà đầu tư nước ngoài bỏ bao nhiêu tiền vào dự án này, sau khi tiến hành xây dựng dự án họ đã thu được bao nhiêu tiền của người dân mua căn hộ, họ đã thu được bao nhiêu lợi nhuận. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về việc nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ mang rất ít vốn còn lại là sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, huy động vốn của người dân và vay vốn ngân hàng trong nước để thực hiện dự án và cuối cùng là mang lợi nhuận về nước. Đó là còn chưa kể việc, không ít nhà đầu tư thực hiện hoạt động chuyển giá, mang máy móc, thiết bị vào Việt Nam khai khống giá trị thực khiến chi phí đầu tư bị đội lên, làm giảm thu nhập, giảm nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách”, ông Hùng phát biểu.

Lấy ví dụ từ Công ty cổ phần Phát triển Rừng Toàn Cầu đăng ký vốn đầu tư “trên trời” lên tới 39 tỷ USD, gấp cả trăm lần thực lực của doanh nghiệp này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên chứng minh, tình trạng đăng ký vốn ảo, vốn đăng ký và vốn thực tế mà doanh nghiệp bỏ vào dự án có khoảng cách quá lớn không chỉ diễn ra với khu vực doanh nghiệp có vốn FDI, mà còn diễn ra tại rất nhiều doanh nghiệp trong nước nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp nào để quản lý.

Dẫn số liệu về tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2014 với 10.869 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký 62.902 tỷ đồng, tăng hơn 13% về số doanh nghiệp và tăng 28,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013, ông Kiên cho rằng, con số thống kê kể trên, đặc biệt là số vốn đăng ký khó có thể chính xác bởi đây chỉ là phần vốn ảo - có khoảng cách khá xa so với vốn mà doanh nghiệp thực tế đã bỏ ra.

Với Luật Đầu tư sửa đổi, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ có các quy định quản lý đối với các dự án đầu tư “vốn trên trời”, vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận gấp nhiều lần giá trị đầu tư thực tế.

“Với những quy định mới sẽ là lời cảnh báo cho những nhà đầu tư có dự án không minh bạch, lợi dụng cơ chế, chính sách của Việt Nam để trục lợi”, ông Dũng cảnh báo.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư