Không có trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì

Cập nhật 11/06/2010 11:10

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Xây dựng báo cáo trước Quốc hội. Phóng viên đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân để làm rõ các ý tưởng quy hoạch, việc hiện thực hoá đồ án trong tương lai.


Nhờ “ăn theo”, giá đất tại các khu vực đang xem xét quy hoạch lên cơn sốt.
Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Xây dựng báo cáo trước Quốc hội. Phóng viên đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân để làm rõ các ý tưởng quy hoạch, việc hiện thực hoá đồ án trong tương lai.

* Thưa Bộ trưởng, một trong những vấn đề “nóng” được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm là quy hoạch chung (QHC) dự kiến quy hoạch trung tâm hành chính quốc gia (TTHCQG) sẽ dịch chuyển về Ba Vì? Một số đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng, hiện một số cơ quan thuộc Chính phủ đã xây dựng trụ sở xung quanh khu vực Mỹ Đình, nên việc quy hoạch các cơ quan đầu não Chính phủ ở Ba Vì là không có cơ sở, gây lãng phí?


Trước hết, phải nói lại về khái niệm “TTHCQG”. Nếu hiểu đúng thì “TTHCQG” là khái niệm dùng cho thủ đô đối với quốc gia. Chẳng hạn, nói “Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của cả nước”, chứ không phải là một khái niệm chỉ riêng một khu đất, hoặc là một phạm vi nào đấy ở trong thủ đô. Bởi vậy, nếu nói: “TTHCQG dời lên Ba Vì”, thì Hà Nội là TTHCQG, sao có thể dời đến một khu vực nào đó ở bên trong Hà Nội?

Ở đây, phải nói là trong các tài liệu hồ sơ như mô hình hoặc thuyết minh về đồ án quy hoạch đã chưa thuyết trình thấu đáo để dư luận hiểu đúng. Trong ý tưởng của đồ án quy hoạch, như tôi trình bày trước QH, Ba Đình vẫn luôn là trung tâm chính trị của đất nước với trụ sở làm việc của các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Hiện nay, một số bộ, ngành đã và đang xây dựng trụ sở tại khu vực Mễ Trì-Mỹ Đình. Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục quy hoạch chọn địa điểm để đưa một số bộ, ngành nữa ra ngoài nhằm góp phần giảm tải khu vực trung tâm, chuẩn hoá hệ thống công sở và tăng cường kết nối liên bộ. Chính vì vậy, trong quy hoạch này, liên danh tư vấn đã lựa chọn khu vực Ba Vì để dự phòng quỹ đất sau năm 2050 có thể sẽ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ.

Việc tính toán cân đối nhu cầu và dành quỹ đất dự trữ phát triển là một nội dung cần thiết và thường xuyên được thực hiện trong quy hoạch xây dựng. Thêm vào đó, xét về điều kiện tự nhiên, quy mô đất đai, môi trường sinh thái thì Ba Vì hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện để quy hoạch làm nơi làm việc của các cơ quan Chính phủ trong tương lai. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta có thể quản lý hiệu quả việc phát triển đô thị theo đúng quy hoạch.

* Quy hoạch cũng đề xuất trục Thăng Long kết nối Ba Vì với khu vực hồ Tây, tuy nhiên, một số đại biểu QH cho rằng, xây dựng trục Thăng Long không kinh tế vì sẽ chiếm đất lớn, hơn nữa liệu có tình trạng quy hoạch nhằm hợp thức hoá hàng loạt các dự án khu đô thị, KCN đã được cấp phép thời gian qua?

Trục Thăng Long kết nối từ đường Hoàng Quốc Việt đến quốc lộ 21, trước hết là một trục giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cùng với các tuyến giao thông chính đã có tạo nên hệ thống trục không gian hướng tâm về nội đô, kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, thiết lập một mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh, hạn chế được các điểm tắc nghẽn cục bộ tại các nút giao thông ra - vào nội đô. Đồng thời, đây còn là trục hành lang kỹ thuật phục vụ cho đô thị.

Trên quy hoạch trục Thăng Long, đã xác định nhiều công trình văn hoá, lịch sử, giải trí quan trọng, là những điểm nhấn kiến trúc đô thị mang tầm cỡ quốc gia và tạo dựng một không gian văn hoá vật thể kết nối không gian văn hoá Thăng Long - Hà Nội với không gian văn hoá xứ Đoài.

Ở cấp độ quy hoạch chung chủ yếu chú trọng các vấn đề có tính tổng thể, những đề xuất phát triển như trục Thăng Long, thậm chí còn cắt ngang qua những dự án cụ thể có ảnh hưởng đến phương án đề xuất, mặt khác kiến trúc - quy hoạch hai bên đường cũng sẽ được quản lý chặt chẽ phù hợp với mục tiêu quy hoạch đề ra. Vì thế, sẽ không có chuyện hợp thức hoá các công trình xây dựng được cấp phép từ trước.

* Nhờ “ăn theo” quy hoạch HN mà giá đất tại các khu vực đang xem xét quy hoạch “sốt sình sịch”. Bên cạnh đó, cả Bộ Xây dựng và UBND TPHN cũng đang bận rộn vì phải rà soát hàng loạt dự án đã “lỡ” lập dự án đầu tư từ trước khi HN mở rộng, thưa ông?

Việc có tới 750 đồ án, dự án đầu tư tại thời điểm lập quy hoạch là một thực trạng mà quy hoạch phải quan tâm, giải quyết. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.Hà Nội rà soát cụ thể. Những dự án phù hợp với quy hoạch chung, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì có thể sẽ được tiếp tục thực hiện. Các dự án chưa phù hợp, tuỳ theo tình hình cụ thể sẽ có biện pháp chuyển đổi chức năng sử dụng đất hoặc di dời đến vị trí khác cho phù hợp. Đối với việc giá BĐS Hà Nội bị đẩy lên cao, vừa qua Bộ Xây dựng đã lập đoàn kiểm tra thực tế và đã có báo cáo gửi QH.

Điều này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giới đầu cơ đã lợi dụng thông tin về quy hoạch Hà Nội đang được xem xét để kích động tâm lý đầu tư theo tin đồn, đẩy giá lên. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ một số giải pháp như: Sớm hoàn thành công tác quy hoạch thủ đô, công khai thông tin đến người dân để kịp thời nắm bắt và khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch các điểm dân cư nông thôn đối với các huyện ngoại thành Hà Nội.

Thời gian qua, việc mua bán đất thổ cư, thổ canh tại khu vực nông thôn vượt ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước cũng có nguyên nhân do một số quy định của pháp luật về vấn đề này chưa được chặt chẽ, đầy đủ, cần được rà soát lại, đồng thời cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, gây rối thị trường.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động